Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Sau năm 2020, công nghiệp ôtô sẽ trở thành ngành công nghiệp lớn - Ảnh Website Chính phủ |
Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Nhưng theo chúng tôi được biết, hiện nay Bộ Tài chính vẫn đang băn khoăn giữa việc tăng thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lên 100% hoặc giảm xuống 80% đối với xe tải thường dưới 5 tấn và 90% đối với xe dưới 9 chỗ. Vậy xin ông cho biết, vào WTO, Việt Nam sẽ tăng thuế hay giảm thuế đối với những loại sản phẩm này?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Khi thực hiện cam kết với WTO, Việt Nam có lộ trình giảm thuế dần dần. Đến năm 2014 thuế nhập khẩu ô tô mới nguyên chiếc nói chung sẽ giảm dần, cụ thể ô tô con 5 chỗ dưới 2500cc và các loại xe khác sẽ giảm xuống còn 70%, còn các loại xe con công suất trên 2500cc chạy bằng xăng đến năm 2019 mới giảm xuống còn 52%. Vì vậy mức thuế sẽ có xu hướng giảm dần, khả năng tăng là không có. Khi gia nhập WTO, kỳ vọng về giá ô tô giảm đột biến là không thể xảy ra. Nếu có giảm, chỉ giảm theo mức thuế mỗi lần là 5%, theo đó giá xe sẽ giảm theo. Sẽ có hai hình thức giảm giá: Một là giảm thuế, hai là giảm theo sản xuất kinh doanh. Vì trong quá trình sản suất kinh doanh, doanh nghiệp có những biện pháp để tăng doanh số bán hàng thông qua các hình thức: khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng, giảm giá đối với những hàng tồn kho vì ô tô cũng là một mặt hàng luôn luôn thay đổi kiểu dáng, mẫu mã.
Cũng theo cam kết với WTO, thuế nhập khẩu phụ tùng ô tô sẽ giảm từ 24,3% xuống 20,5% trong vòng 3-5 năm tới. Việt Nam sẽ không đánh thuế bộ linh kiện (SKD, CKD) mà sẽ đánh thuế linh kiện rời. Việc áp dụng mức thuế này dựa trên nguyên lý thiết bị nào Việt Nam sản xuất được, hoặc ưu tiên sản suất thì sẽ giảm thuế nhập khẩu. Theo ông, cách đánh thuế như vậy có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô xe máy trong nước không?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Giảm thuế nhập khẩu phụ tùng ô tô là một chính sách đúng của Chính phủ. Vì trong quá trình hội nhập, chúng ta không thể bảo hộ bằng biện pháp phi thuế, mà chỉ có thể bảo hộ bằng hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật. Nhưng thuế cũng sẽ giảm dần theo cam kết. Tuy nhiên, xét về giải pháp kỹ thuật thì Việt Nam không thể so sánh với các nước khác, nên sử dụng hàng rào thuế quan là một biện pháp tối ưu nhất hiện nay. Thời gian tới, thuế nhập khẩu sẽ không đánh theo bộ SKD và CKD dựa trên ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hóa trước đây mà sẽ đánh thuế theo linh kiện rời. Như vậy, để khuyến khích sản xuất phụ tùng, lắp ráp ô tô trong nước, trước mắt chúng ta sẽ áp thuế xuống mức thấp nhất có thể đối với những mặt hàng chưa sản xuất được trong nước và ngược lại những phụ tùng linh kiện đã sản xuất được trong nước sẽ để mức thuế suất cao hơn.
Như vậy có thể xem đây là một hình thức bảo hộ không, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Theo tôi, đây chính là thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước: được phép bảo hộ bằng thuế. Nghĩa là, ai sử dụng linh kiện trong nước sẽ có giá thành thấp hơn so với sử dụng các linh kiện ngoại nhập. Điều đó vừa bảo đảm tính không cấm nhập khẩu mặt hàng trong nước sản xuất được, vừa cho phép nhập khẩu, nhưng sẽ đánh thuế vào hàng hóa đó. Ví dụ, nếu doanh nghiệp nào sử dụng linh kiện nhập khẩu 100% thì giá thành xe sẽ cao hơn, nhưng nếu chỉ sử dụng 70% linh kiện nhập khẩu và 30% linh kiện trong nước thì giá thành sản phẩm sẽ giảm. Nhờ đó sẽ khuyến khích các doanh nghiệp lắp ráp ô tô giảm giá thành và tăng năng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Còn những sản phẩm chưa sản xuất trong nước được thì sẽ ưu tiên áp dụng mức thuế nhập khẩu thấp. Tuy nhiên cũng không thể cho xuống 0-5% ngay mà sẽ giữ mức phù hợp trong 2 - 3 năm tới.
Năm 2005, Việt Nam xuất khẩu gần 300 triệu USD linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy và tính đến hết tháng 11/2006 đạt gần 200 triệu USD. Như vậy, xuất khẩu các linh kiện, phụ tùng có thể được coi là thế mạnh của Việt Nam?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Trước mắt, chúng ta xác định việc xuất khẩu ô tô chưa phải là thế mạnh. Trong chiến lược phát triển ô tô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trước mắt, hướng đi quan trọng của ngành sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam là đẩy mạnh xuất khẩu phụ tùng, linh kiện. Việt Nam xác định các mặt hàng ô tô chiến lược được ưu tiên hàng đầu hiện nay bao gồm: ô tô tải loại nhỏ, xe buýt, xe chuyên dụng và xe tải nặng phục vụ khai thác mỏ và xây dựng. Tất nhiên trong tương lai xa, chúng ta cũng hướng tới đích sản suất và lắp ráp loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Định hướng này dựa trên nền tảng về công nghệ, tài chính và nhân lực của các doanh nghiệp sản suất lắp ráp ô tô Việt Nam tại thời điểm này. Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam mới chỉ thực sự hình thành và đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển, vì vậy trong hơn 10 năm trở lại đây, ta đã khuyến khích kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất những phụ tùng linh kiện, vừa đáp ứng cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang các nước khác. Tính đến cuối tháng 10/2006, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 200 triệu USD các sản phẩm linh kiện phụ tùng ô tô xe máy. Trong tương lai, đây sẽ là một ngành mũi nhọn của công nghiệp ô tô, xe máy. Vì theo chiến lược phát triển đề ra sau năm 2020, công nghiệp ô tô sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng, tỷ trọng xuất khẩu có thể đạt hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, ngành Công nghiệp phụ trợ hiện nay của Việt Nam chưa phát triển mạnh, công nghiệp sản xuất phụ tùng chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu xuất khẩu, trong khi thị trường trong nước còn gặp khó khăn do thị trường của Việt Nam quá nhỏ. Số lượng sử dụng sản phẩm này trong nước ít, mặt khác, loại hình xe cộ rất đa dạng nên không thể lắp lẫn phụ tùng của các hãng với nhau. Theo tôi, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nên sản xuất kết hợp xuất khẩu là chủ yếu. Ví dụ, Toyota có một trung tâm xuất khẩu, mỗi năm xuất khẩu trên 20 triệu USD. Hoặc như đồ gỗ và điện tử, kim ngạch mỗi năm cũng xuất khẩu được hơn 2 tỷ USD/năm. Xuất khẩu linh kiện phụ tùng ô tô sẽ đạt được điều đó sau năm 2020.
Vậy xin ông cho biết chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Hiện nay, Việt Nam đã tạo dựng được một số hãng ô tô có thương hiệu uy tín, chất lượng như các liên doanh có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước như: ô tô Trường Hải, Xuân Kiên, Vinamoto... Nhưng Việt Nam vẫn chưa có một ngành công nghiệp sản xuất ô tô thực sự, vì tỷ lệ nội địa hóa còn thấp (<40%). Khi ta có thể sản xuất được bộ phận chính của ô tô (hộp số, động cơ, bộ truyền động...) và nâng được tỷ lệ nội địa hóa trên 60% thì mới có thể nói Việt Nam có một ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Trên thực tế, ta vẫn sử dụng thương hiệu xe của nước ngoài nhưng sản xuất linh kiện chủ yếu và lắp ráp tại Việt Nam thì vẫn có thể coi là sản phẩm trong nước. Việt Nam hiện mới có ngành công nghiệp sản suất lắp ráp xe máy vì tỷ lệ linh kiện sản xuất tại Việt Nam đã đạt 80- 90%.
Có thể nói, xây dựng ngành Công nghiệp ô tô mang thương hiệu Việt Nam không phải là mục tiêu quan trọng nhất hiện nay, mà quan trọng hơn là các phụ tùng chủ yếu sản xuất trong nước có chiếm được tỷ lệ cao hay không. Trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp lắp ráp xe mang thương hiệu Việt Nam nhưng tỷ lệ phụ tùng sản xuất trong nước lại chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn (<30%) thì vẫn chỉ là nhà lắp ráp ô tô mà thôi. Trong quy hoạch của ta, phấn đấu đến năm 2010 sẽ nội địa hóa trên 40% và năm 2020 nội địa hóa trên 60% tùy thuộc vào từng loại xe. Ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam có thể phát triển theo hai hình thức. Một là, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, chuyển giao công nghệ của nước khác để lắp ráp động cơ. Hai là liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài tranh thủ vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý của họ để phát triển. Hiện nay, Chính phủ đã cho phép Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với Huyndai, Hàn Quốc và đang chuẩn bị xây dựng nhà máy lắp ráp động cơ cho xe tải, xe buýt; Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp sẽ lắp ráp các động cơ diezen cho các xe tải, xe buýt tại Nhà máy diezen Sông Công. Phấn đấu sau năm 2010 sẽ hình thành thị trường động cơ ô tô đầu tiên của Việt Nam. Thời gian đầu, tỷ lệ nội địa hóa của mặt hàng này có thể thấp nhưng sau sẽ tăng lên đồng thời với sự phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp sản suất ô tô Việt Nam thời kỳ hậu WTO?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Theo tôi, vào WTO, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ được nhiều cái thuận lợi như: được chuyển giao công nghệ mới của nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực, có môi trường cạnh tranh bình đẳng và không bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển trong giai đoạn hậu WTO, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ càng thị trường để lựa chọn ra những sản phẩm vừa phù hợp với khả năng tài chính, nhân lực, công nghệ, vừa đáp ứng được nhu của cầu thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.
Hiện nay, Việt Nam có gần 40 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, chúng ta chỉ cần có vài doanh nghiệp thực sự mạnh để sản suất ô tô là đủ. Còn trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp nào yếu, thấy không đủ sức cạnh tranh để đi tiếp thì họ có thể chuyển hướng sản suất kinh doanh ngành nghề khác, chẳng hạn chuyên sản xuất phụ tùng,hoặc lắp ráp các xe chuyên dùng...
Trong thời gian tới, Nhà nước và Chính phủ có chính sách giảm dần thuế nhập khẩu ô tô. Dự đoán lúc đầu có thể gây ra một số sức ép đến các ngành liên quan và xã hội, nhưng ngược lại sẽ góp phần đẩy nhanh sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông đường bộ.
Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Giang Oanh - Trần Nguyệt (thực hiện)