Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Báo cáo tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Phan Huy Hiếu cho biết: Năm 2023, Hệ thống THADS đã đạt và vượt chỉ tiêu được giao, thi hành xong 83,25% về việc và 46,78% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành; thu hồi tài sản trong án kinh tế tham nhũng tăng gần 30% về tiền so với năm 2022. Các cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án đã thi hành xong 582 bản án, quyết định về vụ án hành chính.
Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Tổng cục THADS ngày càng quyết liệt, đổi mới, hướng nhiều hơn về cơ sở. Công tác nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy được tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện. Tổng cục THADS đã tổ chức Hội nghị tổng kết và tổng hợp các nội dung khó khăn, vướng mắc để đề xuất sửa đổi Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; tham mưu Bộ Tư pháp xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật THADS (sửa đổi) để trình Chính phủ trong tháng 01/2024. Tham mưu lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2023/QĐ-TTg ngày 02/8/2023 để xây dựng Hệ thống THADS ngày càng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tích cực tham gia góp ý các dự thảo Luật, xây dựng các đề án, đề tài có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực THADS; tổng kết thi hành Luật Tố tụng hành chính và Chỉ thị số 26/CT-TTg, tham mưu xây dựng, trình ban hành 04 Thông tư; ban hành 04 quy trình, quy chế nội bộ.
Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao kết quả THADS. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của hệ thống THADS từng bước được tăng cường. Các mặt công tác khác đều đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được thì vẫn còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục như: án chuyển kỳ sau còn nhiều, việc phân loại án vẫn còn trường hợp chưa chính xác; công tác hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong một số trường hợp chưa đáp ứng về tiến độ và chất lượng; chưa chủ động trong công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách…
Về nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu của năm 2024, Tổng cục THADS nêu rõ:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022, Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023, Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung xây dựng dự án Luật THADS (sửa đổi); xây dựng và trình Nghị định sửa đổi Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo điều hành của Tổng cục. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thi hành án theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian, đúng quy định của pháp luật. Trả lời đúng thời hạn 100% số văn bản xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan THADS địa phương, xác định rõ phạm vi trách nhiệm trong việc hướng dẫn nghiệp vụ.
Giải quyết dứt điểm 100% số đơn thư khiếu nại, tố cáo từ năm 2023 chuyển sang; giải quyết xong các vụ việc thuộc thẩm quyền mới phát sinh trong năm 2024 đạt tỷ lệ ít nhất 95%. Chú trọng công tác tự kiểm tra, kiểm tra. Tiếp tục tham mưu Lãnh đạo Bộ thực hiện tốt công tác theo dõi, quản lý công tác THAHC và chấp hành pháp luật tố tụng hành chính.
Thứ tư, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Quyết định số 19/2023/QĐ-TTg, tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Hệ thống THADS. Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất, kỹ năng công vụ; nâng cao kỹ năng, năng lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Rà soát, lên phương án chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030. Bảo trì trụ sở làm việc, kho vật chứng của các cơ quan THADS đáp ứng yêu cầu bảo vệ, bảo đảm an ninh, an toàn trong bảo quản các vật chứng, tài sản tạm giữ có giá trị lớn hoặc mang tính chất đặc thù như ma túy.
Thứ sáu, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả trên toàn quốc dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu THADS để quản lý, kết nối và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Tập trung nghiên cứu các giải pháp cải cách hành chính nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí trong quá trình THADS.
Thứ bảy, chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, kịp thời thông tin đầy đủ, khách quan về hoạt động THADS, THAHC nhất là truyền thông về các chính sách sửa đổi Luật THADS. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác hợp tác quốc tế. Thực hiện đổi mới, công khai, minh bạch, thực chất, khách quan công tác thi đua, khen thưởng.
Thứ tám, tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội của Tổng cục THADS trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá cao những kết quả đạt được của Tổng cục THADS khi đã cùng Hệ thống THADS về đích với 2 chỉ tiêu việc và tiền. Thứ trưởng Mai Lương Khôi điểm lại một số kết quả nổi bật như: đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp, trong đó chỉ đạo sâu sát về tận cơ sở, quán triệt, đôn đốc các Chi cục thực hiện; đã tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế và có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để đề xuất sửa đổi Luật THADS, tham mưu ban hành các Thông tư, Đề án liên quan đến THADS; công tác tổ chức cán bộ, xây dựng hệ thống được quan tâm kiện toàn, củng cố; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng quy định; công tác kiểm tra được thực hiện quyết liệt; đề cao vị trí, tầm quan trọng của công tác phối hợp trong THADS…
Để thực hiện tốt công tác THADS, THAHC trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự cần nhận thức sâu sắc đối với yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay, nghiêm túc rút kinh nghiệm và có giải pháp cụ thể để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế; phát huy những thế mạnh, kết quả đạt được, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới. Theo đó, cần thay đổi phương thức quản lý theo hướng sâu sát, quyết liệt hơn; làm tốt công tác tham mưu trong tất cả các lĩnh vực THADS.
"Tổng cục cần đẩy mạnh hướng về cơ sở, bám sát cơ sở, đảm bảo tính thực chất để cơ quan THADS địa phương yên tâm có chỗ dựa trong hướng dẫn, giải đáp chuyên môn nghiệp vụ. Chúng ta phải xác định rõ vấn đề nào cần định hướng, vấn đề nào cần "cầm tay chỉ việc" cho địa phương", Thứ trưởng lưu ý.
Cùng với đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục THADS quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo điều hành, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm để tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục về THADS. Đồng thời tiếp tục giữ mối quan hệ phối hợp thường xuyên, lâu dài, tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của các cơ quan ban ngành liên quan…
Thứ trưởng hy vọng và tin tưởng Tổng cục THADS sẽ phát huy tinh thần, trách nhiệm, nghiêm túc phê bình, tự phê bình để vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục hạn chế để công tác THADS đạt kết quả cao hơn, ổn định, bền vững và thực chất.
Nhân dịp này, Hội nghị đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thi hành Luật THADS, có thành tích xuất sắc công tác trong năm 2023; danh hiệu "Tập thể xuất sắc" năm 2023; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tư pháp và Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp cho 2 cá nhân.
Lê Sơn