• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dự họp hoàn thiện Đề án Kiểm soát tải trọng xe

Ngày 10/2, Bộ GTVT, Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức cuộc họp về hoàn thiện Đề án Kiểm soát tải trọng xe lưu thông trên đường bộ. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Nguyễn Ngọc Đông cùng đại diện lãnh đạo Vụ KCHTGT, ATGT, Thanh tra, Pháp chế, KHCN, TCCB, Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô, Hội KH cầu đường.

14/02/2012 07:51

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thời gian tới Bộ GTVT sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép thực hiện ngay từ năm 2012 Đề án quy hoạch trạm kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ với 36 trạm trên các quốc lộ. Nguyên tắc lựa chọn vị trí đặt trạm kiểm soát là bám sát các hành lang vận tải lớn, các tuyến đường bộ trọng yếu, nhằm kiểm soát được tối đa các phương tiện chở quá khổ, quá tải lưu thông trong khu vực.

Theo đó, trên Quốc lộ 1 sẽ đặt 14 trạm, đường Hồ Chí Minh đặt 3 trạm, trên 19 tuyến quốc lộ được lựa chọn, mỗi tuyến sẽ đặt 1 trạm, gồm các quốc lộ số: 2, 3, 5, 6, 13, 14, 14B, 15, 18, 19, 22, 24, 26, 38, 40, 54, 55, 70, 91. Thứ tự ưu tiên đầu tư từ 1 đến 36 cũng đã được xác định cùng với vị trí cụ thể đặt trạm cân xe trên từng tuyến đường cũng đã được khảo sát nghiên cứu.

Theo Đề án, quy hoạch được thực hiện phân kì đầu tư thành 4 giai đoạn, bắt đầu thực hiện ngay từ năm 2012 đến 2015. Trong đó, giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng 7 trạm trên các tuyến đường có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 2.000 xe/ngày đêm và 1 trạm là trạm Phố Ràng là điểm nóng cần giải quyết ngay.

Giai đoạn 2 hoàn thành xây dựng 11 trạm có lưu lượng xe tải nặng lớn từ 1.000 - 2.000 xe/ngày đêm. Giai đoạn 3 hoàn thành xây dựng 7 trạm có lưu lượng xe tải nặng lớn từ 400- 1.000xe/ngày đêm. Giai đoạn 4 hoàn thành xây dựng 10 trạm còn lại. Tổng mức đầu tư cho hệ thống 36 trạm cân xe là 2.994,43 tỉ đồng, bao gồm tính cả trượt giá 10%/năm, với suất đầu tư ban đầu là 65 tỉ đồng/trạm.

Đơn vị tư vấn là Trung tâm kỹ thuật đường bộ đề xuất trước mắt áp dụng công nghệ 3 cân để xây dựng trong giai đoạn đầu (Cân động tốc độ cao - Cân động tốc độ thấp - Cân tĩnh. Công nghệ này sẽ áp dụng tại trạm cân Phố Ràng ngay tới đây) và công nghệ 2 cân nếu chứng minh được các ưu điểm sẽ áp dụng vào các giai đoạn sau.

Thiết kế mỗi trạm cân sẽ đảm bảo nguyên tắc: Ảnh hưởng thấp nhất đến các xe không thuộc đối tượng kiểm soát tải trọng và xe không vi phạm tải trọng: Không gây ùn tắc trên đường chính, đường chờ vào cân động tốc độ thấp và đường chờ vào cân tĩnh; Có đủ phương tiện và diện tích để dỡ hạ tải vi phạm; Đủ điều kiện ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực.

Bộ GTVT tới đây cũng sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất thực hiện tổng thể việc kiểm soát tải trọng xe lưu thông trên đường bộ. Ban soạn thảo Đề án đã đề xuất 4 nhóm giải pháp khắc phục gồm: 1- Nhanh chóng hoàn chỉnh về thể chế, văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho lĩnh vực quản lý tải trọng xe cơ giới đường bộ; 2- Sớm hoàn thành các quy hoạch và thực hiện phân bổ tỉ lệ đảm nhiệm hợp lý giữa các phương thức vận tải đường bộ - đường sắt - hàng hải làm tiết kiệm chi phí vận tải chung, giảm bớt áp lực cho vận tải đường bộ, giảm bớt các hậu quả về môi trường, ATGT cho đường bộ; 3- Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong xã hội; 4- Tăng cường kiểm soát, cưỡng chế bằng sử dụng phối hợp các hình thức và đảm bảo thực hiện xử lý hạ tải xong mới được tiếp tục lưu hành.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ định kỳ thông báo rộng rãi đến các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp vận tải những điều khoản qui định về tải trọng trục, tổng tải trọng cho phép hiện hành, các loại xe thường vi phạm quá tải để cân nhắc trước khi nhập khẩu, mua sắm phương tiện để có thể lập hàng rào kỹ thuật từ khâu nhập khẩu ngăn chặn những loại xe có khả năng quá tải cao. Bên cạnh đó cần nâng cao mức xử lý các trường hợp vi phạm trong quá trình đăng kiểm, tăng mức xử phạt theo nghị định 34/2010/NĐ-CP và có thể tước GPLX khi vi phạm quá tải, cấm lưu hành có thời hạn.

Dự thảo Đề án cũng đề xuất cần thiết sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đối với loại hình vận tải hàng hóa; phải thu hồi giấy phép kinh doanh với các đối tượng doanh nghiệp, HTX, cá nhân kinh doanh vận tải khi vi phạm quá tải. Đặc biệt sẽ phân công Bộ Công an có trách nhiệm cung cấp thông tin vi phạm quá tải để cơ quan có thẩm quyền về quản lý kinh doanh vận tải xử lý giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô...

Tham gia góp ý cho dự thảo Đề án, ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT nhất trí với dự thảo về vấn đề cần thiết phải đưa đối tượng kinh doanh vận tải hàng hóa vi phạm các qui định về tải trọng vào quản lý để có chế tài mạnh mẽ hơn như: thu hồi giấy phép kinh doanh, xử phạt đối với cả chủ hàng, chủ phương tiện thay vì chỉ xử phạt lái xe như hiện nay. Bên cạnh đó, khi sửa Nghị định 34/2010/NĐ-CP cần bổ sung qui định tạm giữ phương tiện cho đến khi khắc phuc, hạ tải mới cho lưu hành tiếp vì nếu chỉ xử phạt rồi lại cho lưu hành thì không giải quyết được vấn đề. Đặc biệt là cần tăng cường trách nhiệm và trang thiết bị cho lực lượng TTGT vì đây là lực lượng chính trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

Về lĩnh vực Đăng kiểm, ông Đỗ Hữu Đức - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết: “Về cơ bản các “hàng rào kỹ thuật” trong lĩnh vực đăng kiểm với các loại xe ôtô là đầy đủ và hoàn thiện. Trong thực tế cũng có nhiều trường hợp chủ phương tiện “lách luật” bằng việc cơi nới thùng xe, độn nhíp, thay lốp... để chở quá tải. Tuy nhiên, những trường hợp này không được phép và đã có chế tài xử lý. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của con người, phương tiện kỹ thuật khi thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý”.

Còn theo ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ KHCN: “Để kiểm soát tải trọng trong thời gian tới cần có sự phân biệt giữa các loại đường, cấp đường theo các tiêu chuẩn thiết kế khác nhau để từ đó xác định tải trọng cho phép. Sau khi xác định xong sẽ công bố tải trọng của từng tuyến đường để lái xe căn cứ vào đó xác định tải trọng cho phép khi lưu hành...”.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh: “Việc xây dựng vào hoàn thiện Đề án này cần phải làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt của chủ hàng và chủ phương tiện. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các văn bản pháp qui để có những chế tài phù hợp, ngăn chặn kịp thời tình trạng xe quá tải, quá khổ lưu hành ngang nhiên như hiện nay. Bộ sẽ sớm hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới”.

Xuân Nguyên