• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thứ trưởng Y tế khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán

(Chinhphu.vn) - Để đảm bảo người dân đón Tết Nguyên đán an toàn, phóng viên Báo Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên về kế hoạch cũng như công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp xâm nhập và bùng phát ở nước ta.

23/01/2020 13:47

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trả lời phỏng vấn. Ảnh VGP/Thúy Hà

Sớm triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh

Thưa ông, trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, Bộ Y tế có kế hoạch như thế nào trong phòng chống dịch bệnh bùng phát và bệnh lạ xâm nhập vào nước ta?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Dịp Tết Nguyên đán là khoảng thời gian giao mùa giữa Đông và Xuân, đồng thời với việc giao lưu thương mại, du lịch, đi lại của người dân trong và ngoài nước gia tăng nhanh chóng với lưu lượng, mật độ cao. Đây là những điều kiện thuận lợi để dịch bệnh xâm nhập, phát triển, lây lan.

Trong những năm qua, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được coi là hoạt động trọng tâm và thường xuyên của ngành y tế, được duy trì hàng ngày và kế hoạch phòng chống dịch bệnh đã được triển khai ngay từ đầu năm, qua đó đã kiểm soát tốt các bệnh lưu hành trong nước và ngăn ngừa các bệnh dịch nguy hiểm xâm nhập vào nước ta.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, để chủ động phòng chống dịch bệnh có thể bùng phát, xâm nhập vào nước ta trong dịp Tết và mùa Đông Xuân, Bộ Y tế đã sớm triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân ngay từ đầu tháng 12/2019.

Theo đó Bộ Y tế đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; hệ thống giám sát dịch bệnh tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng; chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, trang thiết bị, bố trí cán bộ, khu vực thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, đẩy mạnh công tác phòng chống nhiễm khuẩn đảm bảo hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong và không để lây nhiễm trong bệnh viện nếu có dịch bệnh xảy ra.

Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc nCoV

Trong những ngày vừa qua, trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đã triển khai Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do nCoV theo các tình huống dịch.

Đồng thời, đẩy mạnh việc truyền thông về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống trên hệ thống thông tin đại chúng, kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều trị để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào nước ta và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống diễn biến dịch bệnh.

Trong thời gian vừa qua, thông qua việc giám sát tại cửa khẩu của hệ thống kiểm dịch y tế, chúng ta đã phát hiện 2 trường hợp sốt nhập cảnh từ Trung Quốc, cả hai đã được cách ly và quản lý kịp thời, kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV và đã được xuất viện để trở về nước. Như vậy đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc nCoV.

Ngành y tế đã chủ động, sẵn sàng công tác phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý để góp phần cho người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của dịch bệnh đối với cuộc sống của người dân.

5 biện pháp phòng chống dịch, bệnh

Người dân cần làm gì để chủ động phòng chống dịch bệnh?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Việc phòng chống dịch bệnh cần phải có sự chung tay của toàn thể xã hội, trong đó sự tham gia tích cực của từng người dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, bảo vệ bản thân và cộng đồng, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan; để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, đặc biệt là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV đang xảy ra tại Trung Quốc, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:

Thứ nhất, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

Thứ hai, giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

Thứ ba, cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Thứ tư, những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, các vùng đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Thứ năm, khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.

Sẵn sàng đáp ứng với các tình huống

Ông đánh giá như nào về diễn biến dịch bệnh thời gian tới, nhất là khả năng xâm nhập dịch bệnh từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào Việt Nam?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Trong năm 2019, dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực như: Ebola, MERS-CoV, dịch hạch, bệnh bại liệt, sốt vàng, dịch tả,… gần đây nhất là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV tại Trung Quốc; thêm vào đó cùng với sự biến đổi khí hậu, sự biến đổi liên tục của các tác nhân gây bệnh, sự giao lưu thương mại, du lịch rộng mở của nước ta với thế giới; do đó tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong năm 2020 trên thế giới sẽ diễn biến phức tạp, nhiều bệnh dịch nguy hiểm mới nổi sẽ có thể bùng phát và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.

Đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV đang xảy ra tại Trung Quốc, nguy cơ xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể do nước ta có sự giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Trung Quốc, có đường biên giới dài với Trung Quốc và có đường bay thẳng từ nhiều sân bay tại Trung Quốc vào nước ta, đồng thời một số nước trên thế giới Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ cũng đã ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập.

Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, các nước liên quan và tích cực triển khai các biện pháp phòng bệnh nhằm chủ động ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tại Việt Nam.

Bộ đã có kế hoạch và chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh như nào để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong dịp Tết?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong dịp Tết, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona với các tình huống khác nhau.

Đồng thời rà soát cập nhật, ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona, chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành trên toàn quốc có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, máu, dịch truyền, bố trí cơ số giường bệnh, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện;

Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh nhằm bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử lý chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

Đồng thời các đơn vị cũng chủ động sẵn sàng ứng phó với các trường hợp dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra.

Cảm ơn ông!

17 người chết vì nCoV

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam), Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ y tế quốc tế Việt Nam, đến ngày 23/1, Trung Quốc đã ghi nhận 541 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp, trong đó có 17 trường hợp tử vong, 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại 13 tỉnh/thành phồ của nước này.

Một số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực cũng đã ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập như: Thái Lan (4 trường hợp), Nhật Bản (1 trường hợp), Hàn Quốc (1 trường hợp), Đài Loan (1), Hoa Kỳ (1), Ma Cao (1), Hồng Kông (1).

WHO nhận định bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đã có khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người. Ngày 22/1, WHO đã tổ chức cuộc họp Ủy ban đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng để xem xét tuyên bố vụ dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Trung Quốc là một sự kiện y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay không và đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia thành viên. Hiện Giám đốc của WHO tuyên bố cần thêm thông tin và bằng chứng để đưa ra quyết định cuối cùng. Hôm nay, WHO sẽ tiếp tục họp về nội dung này.

Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Trước đó có 3 hành khách đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc được phát hiện sốt qua máy đo thân nhiệt từ xa tại sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay quốc tế Cam Ranh, các hành khách đã được cách ly kịp thời, loại trừ nhiễm nCoV và đã trở về Trung Quốc./. 


Thúy Hà