Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1998. Diện tích theo quy hoạch của dự án là gần 1.590 ha, trong đó diện tích không phải giải phóng mặt bằng là 117 ha; diện tích giải phóng mặt bằng là 1.469 ha, hiện đã giải phóng mặt bằng và bàn giao được trên 990 ha.
Hiện nay, Khu Công nghệ này đã thu hút được khoảng 70 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 56 nghìn tỷ đồng trên diện tích gần 354 ha, trong đó có các dự án lớn như dự án Trường Đại học FPT, dự án Khu phần mềm FPT, dự án Trung tâm Công nghệ cao của Viettel, dự án Trung tâm Vệ tinh quốc gia,…
Bên cạnh đó, một số dự án quan trọng của Nhà nước cũng đang trong quá trình chuẩn bị triển khai như dự án Nhà máy tin tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc, dự án Trường đại học Việt-Nhật,…
Tuy nhiên, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, một số dự án đã không triển khai như cam kết; việc thực hiện các dự án đang gặp những khó khăn, vướng mắc như cơ chế, chính sách thay đổi theo thời gian và do ảnh hưởng khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội (thay đổi cơ chế, chính sách áp dụng và tổ chức thực hiện về xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất…); công tác giải phóng mặt bằng mới chỉ đạt 70%; việc xây dựng các khu tái định cư chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đồng bộ với tiến độ giải phóng mặt bằng;…
Dự án Đại học Quốc gia cũng gặp những khó khăn, vướng mắc tương tự như dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, tái định cư,…
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo nhiều Bộ, ngành hữu quan cho biết, việc triển khai 2 dự án này gặp nhiều khó khăn là do phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần; thiếu vốn; việc triển khai xây dựng các khu tái định cư quá chậm dẫn đến tình trạng người dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa được bố trí tái định cư... Hiện tại, việc giải phóng mặt bằng ở cả 2 dự án mới chỉ giải phóng được 70% diện tích; số vốn còn thiếu cho giải phóng mặt bằng của cả 2 dự án là khoảng 7.000 tỷ đồng.
Những hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng đã làm cho các dự án xây dựng hạ tầng ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bị chậm tiến độ, dẫn tới chưa đồng bộ nên rất khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư và khó khăn cho các nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư,…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số ý kiến cho rằng, việc giải phóng mặt bằng phải được giải quyết dứt điểm trong 1-2 năm tới, bởi nếu kéo dài sẽ làm cho vốn giải phóng mặt bằng tiếp tục phát sinh và đội lên.
Một số ý kiến cũng đề xuất không điều chỉnh quy hoạch của 2 dự án; cố gắng bố trí vốn để không phải điều chỉnh tổng quy mô các dự án.
Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chủ trương của Trung ương đầu tư xây dựng một số khu công nghệ cao là để phục vụ cho ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đây là chủ trương nhất quán và hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, nhìn lại, việc triển khai còn chậm, một phần do chưa dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng.
Tinh thần chung là phải kiên định, quyết liệt thực hiện chủ trương, tìm mọi cách để tháo gỡ, xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội. Không điều chỉnh quy mô tổng thể của dự án, song phải phải rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh thích hợp trong nội khu của dự án.
Là 2 dự án có vị trí gần nhau, các Bộ, ngành chức năng phải hết sức quan tâm đầu tư hạ tầng chung, kết nối hạ tầng dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, không để lãng phí trong đầu tư về hạ tầng nhất là hạ tầng về giao thông, điện, cấp thoát nước, xử lý rác thải...
Trong từng dự án cũng phải kiểm soát, rà soát về quy hoạch, diện tích, đảm bảo diện tích phù hợp, rà soát tính chất của dự án theo đúng nghĩa công nghệ cao, cương quyết rút giấy phép các dự án đầu tư không phải là công nghệ cao trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; những công trình tiện ích, phụ trợ phải phải hết sức cân nhắc trong đầu tư, nếu thấy không cần thiết phải tính toán sử dụng chung, phải hết sức tiết kiệm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rõ: “Chúng ta còn nghèo, chúng ta còn khó nên phải hết sức tính toán, tiết kiệm, đừng để lãng phí”.
Nhấn mạnh vốn giải phóng mặt bằng, tái định cư cho hai dự án là cái khó nhất hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trong tháng 8 này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì họp bàn để rà soát, tính toán nguồn, bổ sung vốn theo từng năm cho đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án với tinh thần là tiết kiệm, bố trí vốn ưu tiên nhất, sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đồng thời, rà soát lại cơ chế, chính sách trong đền bù, giải phóng mặt bằng. “Phải quyết thâm thực hiện cho được công tác di dân, tái định cư, không để nhùng nhằng trong công tác này”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, những gì phải sử dụng vốn ngân sách, Nhà nước sẽ đầu tư; những gì có thể xã hội hóa được, không cần đầu tư bằng ngân sách phải kiên quyết thực hiện xã hội hội hóa.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề ghị Ban Quản lý 2 dự án tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mình.
Nguyễn Hoàng