• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 3 vấn đề lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 371/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp; tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm và Đề án 01 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

20/07/2025 23:20
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 3 vấn đề lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 1.

Thủ tướng kiểm tra việc vận hành chính quyền 2 cấp tại phường Ninh Kiều (Cần Thơ)

Bảo đảm đầy đủ cán bộ vận hành thông suốt bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp 

Về triển khai chính quyền 02 cấp: Thông báo nêu rõ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đã từng bước triển khai, hoàn thiện một cách bài bản, chắc chắn và đang đi vào hoạt động ổn định chính quyền 2 cấp. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung, công việc cần phải rà soát và triển khai một cách đồng bộ, chuyên nghiệp hơn nữa để tạo ra sự thông suốt, thông thoáng và thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp; đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị khẩn trương triển khai có hiệu quả Kết luận số 177-KL/TW ngày 11/7/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả (Kết luận số 177-KL/TW).

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, làm việc nào dứt việc đó, tạo sự thông suốt, chuyên nghiệp và đồng bộ trong toàn hệ thống chính quyền địa phương. Tập trung rà soát khắc phục những khó khăn, bất cập, vướng mắc về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, giấy phép kinh doanh. Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu cấp xã, cấp tỉnh, nhất là các lĩnh vực liên quan đến đất đai, môi trường, các vấn đề xã hội khác…

Giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ĐBSCL cần triển khai quyết liệt, hiệu quả Kết luận số 177-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sắp xếp đội ngũ cán bộ ở địa phương, nhất là cấp xã, bảo đảm đầy đủ cán bộ để vận hành thông suốt bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.

Đồng thời, chuẩn bị tốt công tác cán bộ, nhân sự và văn kiện cho đại hội Đảng bộ các cấp, trong đó linh hoạt vận dụng một số tiêu chí, tiêu chuẩn về công tác cán bộ có thể vận dụng được theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, không được để ách tắc, không để xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của địa phương và đất nước.

Củng cố, tăng cường hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh cho người dân phải không bị chậm trễ, đứt gẫy, không để người bệnh không có nơi chữa bệnh. Triển khai xây dựng trường học bán trú cho các học sinh ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Hoàn thiện hạ tầng số, đặc biệt là các nơi có điều kiện khó khăn, nhất là phủ sóng viễn thông và hạ tầng điện.

Đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các công trình, dự án

Về các công trình trọng điểm vùng ĐBSCL: Việc khẩn trương thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án giao thông trọng điểm nhằm kết nối với vùng Đông Nam Bộ, kết nối với các vùng kinh tế khác và kết nối với quốc tế là hết sức cần thiết, đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai cơ bản đúng tiến độ, nhiều công trình vượt tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, việc triển khai các công trình, dự án tại khu vực ĐBSCL còn một số hạn chế liên quan đến vật liệu xây dựng, một số doanh nghiệp chưa thanh toán tiền thuế, phí và lệ phí liên quan đến hoạt động khai thác và cung ứng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; một số nhà thầu triển khai mỏ cát còn chậm khai thác và cung ứng cát về công trường dự án… đòi hỏi các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu phải nỗ lực, thần tốc hơn nữa, "tăng tốc, bứt phá", rút ngắn thời gian thi công; đồng thời phải bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và vệ sinh môi trường; việc triển khai hệ thống đường thủy nội địa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua chưa thật sự quyết liệt, chưa hiệu quả, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của loại hình giao thông này; vì vậy, các địa phương cần phải chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả phương thức giao thông thủy nội địa.

Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, ĐBSCL tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo "vượt nắng thắng mưa, không thua bão gió; làm việc xuyên ngày Tết, ngày nghỉ; làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm; ăn tranh thủ ngủ khẩn trương; chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các địa phương phải thường xuyên đến công trường để đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các công trình, dự án (đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng); chính quyền địa phương phải tháo gỡ các vấn đề mang tính pháp lý; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) hỗ trợ về tinh thần, lương thực, thực phẩm, nước uống… "không để các nhà thầu, các kỹ sư, công nhân cô đơn trên các công trường hiện đại".

Các nhà thầu thi công các dự án huy động, hợp tác với các nhà thầu phụ tại các địa phương để cùng nhau thi công các công trình, dự án trên địa bàn, tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ để cùng phát triển lớn mạnh, đủ năng lực đảm nhận thi công các công trình trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương theo hướng xây dựng, ban hành theo thẩm quyền về đơn giá nguyên vật liệu không phải đấu thầu cung cấp cho các dự án trọng điểm trên địa bàn (trong đó có tỉnh Đồng Tháp); hướng dẫn giải pháp gia tải để rút ngắn thời gian gia tải chờ lún, đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, an toàn công trình.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng cho các địa phương; khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 10/6/2025, giải quyết ngay các khó khăn vướng mắc về vật liệu xây dựng, nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi các dự án được cấp phép khai thác khoáng sản nhóm IV, quy định khoáng sản làm vật liệu xây dựng, san lấp khu vực ĐBSCL được áp dụng quy định tương tự cho khoáng sản nhóm IV, ban hành trong tháng 7/2025. Tinh thần là không để ách tắc và không để lợi dụng chính sách để tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị Lễ khánh thành, khởi công các công trình, dự án vào ngày 19/8/2025 (các đoạn tuyến cao tốc, các đường dẫn, nút giao, các công trình quan trọng khác…).

Xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam 

Về Đề án 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (Đề án), Thủ tướng đánh giá, với sự chủ động triển khai với nhiều mô hình tại các địa phương, sự vào cuộc của các hợp tác xã, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, Đề án đã đạt được kết quả ban đầu rất quan trọng; việc triển khai Đề án góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước, có ý nghĩa quan trọng đối với các nước trong khu vực, nhất là các nước ASEAN và đối tác quốc tế… 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án còn một số tồn tại như việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chưa cao; chưa làm tốt hoạt động liên kết vùng, liên kết quốc tế, đa dạng hóa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng thương hiệu gạo quốc gia để tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa gạo của nước ta trên thị trường quốc tế, nhất là đối với một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tham gia thực hiện Đề án và các cơ quan liên quan hoàn thiện việc rà soát, phê duyệt quy hoạch vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL thuộc Đề án, hoàn thành trong quý III/2025; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, tiếp tục xây dựng các thương hiệu mới và bảo vệ các thương hiệu, giải thưởng đã được công nhận để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tham gia thực hiện Đề án chủ động xây dựng quy trình kỹ thuật để hướng dẫn người nông dân và các hợp tác xã triển khai thực hiện.

Bộ Công Thương triển khai ngay các hiệp định về lúa gạo, thực hiện ký các hiệp định dài hạn (từ 5-10 năm), bảo đảm đầu ra ổn định cho người nông dân.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL xây dựng mẫu mã bao bì bền, đẹp, phù hợp với văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và dễ nhận diện.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai thực hiện Đề án, chủ động giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các vướng mắc phát sinh (nếu có). Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm nguyên tắc liên kết 4 nhà: Doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà nước; các doanh nghiệp phải cam kết và bảo đảm đầu ra, cung ứng vật tư nông nghiệp và các mặt hàng phục vụ cho sản xuất lúa (phân bón, thuốc trừ sâu và các vấn đề liên quan đến tăng năng suất lao động…).

Minh Hiển