Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cùng dự có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thủ tướng vui mừng tới dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 - Dương lịch 2023 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ - nơi đã chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng của Phật giáo Việt Nam. Đây là sự kiện tôn giáo rất có ý nghĩa trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của đồng bào theo đạo Phật, là lễ hội văn hóa, tôn giáo thế giới được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và với tình cảm cá nhân sâu sắc, Thủ tướng trân trọng gửi tới chư tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước những lời chúc mừng tốt đẹp nhất; chúc Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành tựu viên mãn.
Theo Thủ tướng, là tôn giáo của từ bi, của lòng nhân ái và tính hướng thiện, Phật giáo ra đời vì cuộc sống của con người và cho chính hạnh phúc, an lạc của nhân loại. Trong thực hành giáo lý và cuộc sống, đạo Phật luôn đề cao tinh thần "Phật pháp bất ly thế gian pháp" - đạo Phật và đời luôn gắn liền nhau. Triết lý này của Phật giáo có ngay từ khi mới du nhập vào Việt Nam, là tư tưởng nhập thế của vua Trần Nhân Tông, Trần Thái Tông, các vị thiền sư thời Lý - Trần và tiếp nối đến ngày nay. Với gần 2000 năm gắn bó và đồng hành với dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã trải qua những thăng trầm cùng lịch sử đất nước. Phật giáo đã thấm sâu, lan tỏa, hòa quyện vào xã hội Việt Nam, là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định trong bất cứ thời kỳ nào của lịch sử, Phật giáo cũng có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Hộ quốc, an dân" và phương châm "Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội". Trong những năm gần đây, các hoạt động Phật sự và hoạt động xã hội của Phật giáo luôn có sự đổi mới, bám sát thực tiễn sinh động, luôn hướng đến con người, vì con người; các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội được đông đảo tín đồ, Phật tử và người dân đồng lòng ủng hộ.
Thủ tướng nhấn mạnh Đảng và Nhà nước đánh giá cao sự tham gia, đóng góp tích cực về vật chất và tinh thần của Phật giáo trong phòng, chống đại dịch COVID-19, cùng cả nước củng cố, phát huy tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đảng, Nhà nước ta không có mục tiêu nào khác là đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, với 3 lần tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Phật giáo thế giới và nâng cao vị thế, vai trò của Phật giáo Việt Nam, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của các tăng ni, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước đối với đất nước thời gian qua.
Thủ tướng nêu rõ Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định và thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; bảo đảm các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, đúng hiến chương và điều lệ của tôn giáo được Nhà nước công nhận; thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước (theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, năm đầu tiên triển khai chương trình hoạt động Phật sự mà Nghị quyết Đại hội IX của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 đã đề ra. Đặc biệt, sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Đại lễ Phật đản năm nay được tổ chức trang trọng ở nhiều nơi trên cả nước, quy tụ nhiều tăng ni, Phật tử và người dân tham dự, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Với truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành với dân tộc, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần nhập thế, lấy việc phục vụ chúng sinh, đại chúng, ích đạo, lợi đời, ích nước, lợi dân làm phương hướng tu hành; thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa kiệt xuất: "Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Các hòa thượng, tăng ni và Phật tử tích cực thực hiện tinh thần Từ bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc".
Thủ tướng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gương mẫu, thực hiện và động viên tăng ni, đồng bào Phật tử thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc và ấm no.
Thủ tướng nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúc quý vị chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể tăng ni, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước "luôn luôn mạnh khoẻ, tinh tiến tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hoà bình"./.