Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) trên địa bàn.
Dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các nhà thầu…
Phiên họp nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 13 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đến nay, danh mục các dự án mà Ban Chỉ đạo theo dõi gồm 40 dự án lớn/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt và hàng không, đi qua địa phận 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng nhấn mạnh từ nay đến cuối năm 2025, chỉ còn khoảng 15 tháng nữa, khối lượng công việc rất lớn. Do đó, Thủ tướng đề nghị cần thảo luận giải pháp đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án; áp dụng các kinh nghiệm quý báu từ dự án đường dây điện 500 kV mạch 3.
Theo đó, cần tạo phong trào thi đua sôi nổi, cách huy động các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp với cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; các nhà thầu chính huy động thêm các nhà thầu phụ để tạo việc làm, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao năng lực của các nhà thầu trên địa bàn…, tinh thần là "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển".
Thủ tướng cũng dành thời gian phân tích ý nghĩa quan trọng của hạ tầng giao thông vận tải chiến lược. Đặc biệt, thống kê sơ bộ cho thấy siêu bão số 3 đã gây thiệt hại khoảng 40 nghìn tỷ đồng, chúng ta phải có giải pháp bù đắp lại những thiệt hại này, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông vận tải.
Do đó, việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cũng là thể hiện "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung làm với tinh thần, trách nhiệm vì dân, vì nước, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện; biểu dương, khen thưởng những nơi làm tốt và xử lý các trường hợp trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Tại phiên họp lần thứ 13 ngày 08/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 42 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương trong đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng, cấp nguồn vật liệu xây dựng, nhất là cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía nam.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 11 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, đang tích cực triển khai 28 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên và 01 nhiệm vụ chưa đến hạn, chưa hoàn thành đúng hạn 02 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng.
Bộ Xây dựng đã hết sức tích cực, trách nhiệm, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung các định mức xây dựng, góp phần hoàn thiện cả về số lượng, chất lượng định mức, hạn chế các bất cập, phù hợp hơn với thực tiễn; đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương xác định chi phí liên quan đến cấp mỏ vật liệu xây dựng theo cơ chế đặc thù, tháo gỡ nhiều khó khăn trong việc xác định và quản lý chi phí cho các dự án trọng điểm ngành GTVT.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tại dự án Cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025; đã có văn bản gửi các địa phương phổ biến Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 về thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư xây dựng; đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong nước năm 2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn tỉnh Bến Tre khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù phục vụ các dự án.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo phương án đầu tư mở rộng đoạn TPHCM-Long Thành; đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về di dời đường điện cao thế.
Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương đã phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ GTVT và các địa phương tổ chức lễ phát động đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc".
Bộ GTVT đã trình Bộ Chính trị Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; đã trình Chính phủ Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 138/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành.
Về công tác chuẩn bị đầu tư, TPHCM đã phối hợp cùng các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 TPHCM; Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành xử lý các kiến nghị của TPHCM.
Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành. Tỉnh Cao Bằng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ các ý kiến thẩm định về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT đang thẩm định nội bộ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam theo Nghị quyết của Chính phủ và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định (lần 2).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội hoàn thiện hồ sơ và báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo.
Về công tác lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Ninh Bình-Hải Phòng.
Tỉnh Thái Bình đang trình Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nam Định-Thái Bình; tỉnh Sơn La đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Hòa Bình-Mộc Châu theo ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng; tỉnh Lâm Đồng đang chỉ đạo nhà đầu tư hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Tân Phú-Bảo Lộc theo ý kiến thẩm định; tỉnh Lâm Đồng và Bình Dương đang tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Bảo Lộc-Liên Khương và dự án TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.
Ngày 04/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ đã họp cùng tỉnh Lâm Đồng và các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương.
Về công tác giải phóng mặt bằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo lần thứ 13 và Công điện số 80/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/8/2024, các địa phương đã tích cực triển khai công tác này và có sự chuyển biến đáng kể.
Tuy nhiên, do phần diện tích còn lại chủ yếu là đất ở, việc triển khai xác định nguồn gốc, phương án đền bù phức tạp nên một số địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu như: Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Lạng Sơn.
Về vật liệu xây dựng, với các dự án khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nguồn cung cấp vật liệu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công.
Với các dự án khu vực phía nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giao chỉ tiêu cung ứng vật liệu cho các dự án, các địa phương đã phối hợp cùng các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai các thủ tục liên quan đến cấp mỏ cho các dự án, tuy nhiên tiến độ triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ngoài tỉnh Vĩnh Long đã cấp 1,1/3,4 triệu m3, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre vẫn đang triển khai thủ tục cấp mỏ, bổ sung mỏ.
Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai đang triển khai, hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ, nhưng còn chậm hơn so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Về công tác triển khai thi công, triển khai phong trào "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", Bộ GTVT đã phối hợp cùng các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản rà soát kế hoạch triển khai, xây dựng tiến độ chi tiết, đặc biệt là các công việc có tính chất đường "găng" để đôn đốc các đơn vị.
Đa số các dự án có đủ nguồn vật liệu và điều kiện giải phóng mặt bằng thuận lợi, tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu.
Một số dự án có giá trị thực hiện lớn như Cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 thi công đạt 52%, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đoạn qua An Giang đạt 26%, Vành đai 4 Hà Nội đoạn qua Hà Nội đạt 33%, dự án Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua Hà Giang đạt 35%, Vành đai 3 TPHCM đoạn qua Long An đạt 41%, Cao Lãnh-An Hữu đoạn qua Đồng Tháp đạt 36%, Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 35%, một số dự án thành phần đang phấn đấu hoàn thành sớm từ 3 đến 6 tháng.
Tuy nhiên, việc triển khai thi công các dự án tại một số địa phương còn chậm như Cần Thơ, Sóc Trăng tại dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Bắc Ninh tại dự án Vành đai 4 Hà Nội, Cao Bằng tại dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Lạng Sơn mới triển khai thi công dự án Hữu Nghị-Chi Lăng; đặc biệt là tại các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 gồm: Đồng Nai tại dự án thành phần 1 Biên Hòa-Vũng Tàu và dự án thành phần 3 Vành đai 3 TPHCM; Bình Dương tại dự án Vành đai 3 TPHCM; Tuyên Quang tại dự án Tuyên Quang-Hà Giang.
Về dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang nỗ lực triển khai bám sát tiến độ đề ra; đã mở thầu gói thầu J3-1 và đang giải quyết các thủ tục liên quan để triển khai thi công. Đồng thời, Bộ GTVT đã tổng hợp và trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, việc xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước đang được triển khai đáp ứng tiến độ. Đã thi công đạt 94% khối lượng phần bê tông cốt thép Đài kiểm soát không lưu, bám sát tiến độ đề ra;
Gói thầu nhà ga hành khách đã hoàn thành toàn bộ phần bê tông cốt thép, đang tiến hành lắp dựng kết cấu thép mái theo đúng kế hoạch; các gói thầu khác và hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, 02 tuyến giao thông kết nối đang được nỗ lực triển khai để đáp ứng kế hoạch;
Dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất đã hoàn thành công tác bê tông, lắp đặt hệ mái dàn thép; đang triển khai các hạng mục còn lại bám sát tiến độ.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội đã đào 297 m và lắp đặt 186 vòng vỏ hầm đoạn đi ngầm. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên tiếp tục chạy thử đến tháng 11/2024 để phục vụ việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, đào tạo nhân sự vận hành.
Với các dự án thuộc khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, các chủ đầu tư đã thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nên ảnh hưởng không đáng kể, các công trình xây dựng không gây ngập úng cho các khu vực lân cận; hiện các đơn vị đang khắc phục, sửa chữa đường công vụ, đường điện,... để thi công trở lại.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp.
Hà Văn