Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế dự Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tới dự.
Diễn đàn năm nay có hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế, gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành, 63 tỉnh, thành phố; đại sứ, tham tán thương mại của 14 quốc gia tại Việt Nam; lãnh đạo các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức hiệp hội, ngành hàng; các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam... tham dự
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tròn 10 năm (2007-2017). Một thập kỷ tham gia sân chơi lớn của thế giới chưa phải là một chặng đường dài nhưng đầy cơ hội và thử thách với Việt Nam và GDP bình quân đầu người đã tăng lên hơn 2.000 USD là một trong những kết quả đáng ghi nhận.
Kể từ năm 2007 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29%/năm. GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD lên 2.445 USD. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 cũng tăng gấp 3,5 lần so với năm 2006.
Đáng chú ý, thay đổi rõ nhất kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Theo đó, năm 2006, Việt Nam chỉ thu hút được 10 tỷ USD vốn FDI, nhưng đến năm 2007 đã lên tới 21,3 tỷ USD và đạt 64 tỷ USD vào năm 2008. Đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới đã chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon,…
Không chỉ tác động mạnh mẽ, tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, gia nhập WTO chính là “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu.
Tính đến nay, đã có 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương giữa Việt Nam và các đối tác lớn trên thế giới được chính thức ký kết, hoặc kết thúc đàm phán như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA)... Trong đó có những FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao.
Các FTA đang mở ra không gian cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác trên thế giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20.
Dự kiến, sau phiên khai mạc, Diễn đàn lần lượt thảo luận theo 3 phiên tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề nội dung hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đề xuất kiến nghị các giải pháp để Việt Nam tiếp tục hội nhập thành công gồm “Tổng quan tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: Hành trình vươn ra hiển lớn”; “Việt Nam trước những xu thế trong kinh tế và thương mại quốc tế”; “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế trong hối cảnh hiện nay”.
Theo kế hoạch, sau khi kết thúc các phiên tọa đàm, Ban Tổ chức Diễn đàn sẽ tổng hợp kết quả của các phiên tọa đàm và công bố thông điệp chung của Diễn đàn. Nội dung của Thông điệp cùng kết quả các buổi thảo luận sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp và gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước sau khi kết thúc Diễn đàn.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về sự kiện này.
Đức Tuân