Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cùng tham dự sự kiện có đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, các tổ chức quốc tế.
Trước đó sáng cùng ngày, Thủ tướng dự lễ khánh thành tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đoạn qua tỉnh Hưng Yên (giai đoạn 2); dự lễ khởi công đường Tân Phúc-Võng Phan - công trình trọng điểm, tuyến đường "trục xương sống" thứ 3 của tỉnh và thăm Khu Công nghiệp Thăng Long II.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Hưng Yên trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 24 dự án có tổng số vốn 760 triệu USD và 10.000 tỷ đồng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Quy hoạch tỉnh Hưng Yên được phê duyệt đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn cho từng ngành, lĩnh vực và hình thành khung định hướng phát triển kinh tế-xã hội dài hạn, giúp tỉnh Hưng Yên nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện bảo đảm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa khát vọng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Hưng Yên cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đối tác liên quan đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo sự kiện có ý nghĩa quan trọng này, kết hợp công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư của tỉnh; thể hiện tầm nhìn chiến lược, cách làm bài bản, khoa học và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Sau khi dành thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, những yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm của công tác quy hoạch nói chung, Thủ tướng cho biết từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác quy hoạch đã được tập trung đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 110/111 quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, lĩnh vực và quy hoạch tỉnh, thành phố.
Thủ tướng đánh giá Hưng Yên có nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá, "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Hưng Yên là vùng đất "địa linh nhân kiệt" (Hưng Yên có 8 trạng nguyên; 205 tiến sĩ được ghi danh tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám; 228 người đỗ đại khoa được ghi danh ở Văn Miếu Xích Đằng-Hưng Yên), là quê hương của Danh y Lê Hữu Trác, thân mẫu Bác Hồ kính yêu, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Thủ tướng cho rằng cùng với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn lực con người, truyền thống văn hóa lịch sử, Hưng Yên cần phát huy hơn nữa đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, với tầm nhìn cao hơn, xa hơn, rộng hơn.
Theo Thủ tướng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hưng Yên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức; xác định tầm nhìn, chiến lược phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, có bước phát triển vượt bậc.
Giai đoạn 2021-2023, tăng trưởng GRDP bình quân đạt 10,71%, gấp hơn 2 lần tăng trưởng bình quân cả nước (5,24%); quy mô kinh tế xếp thứ 16/63; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 90%). GRDP 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,81%. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt kế hoạch, năm 2022, 2023 thuộc nhóm 10 địa phương thu ngân sách cao nhất nước.
Tỉnh thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, đến tháng 6/2024 có trên 17.300 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 212 nghìn tỷ đồng; có 1.686 dự án trong nước, tổng vốn 340 nghìn tỷ đồng; 577 dự án FDI, tổng vốn 7,5 tỷ USD. Trong đó, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với Khu công nghiệp Thăng Long II của Hưng Yên không dùng hàng rào cứng mà đào kênh để bảo vệ, trồng nhiều cây xanh, an toàn, thân thiện, hài hòa, hiệu quả.
Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng chiến lược về giao thông, công nghiệp, đô thị, nông thôn… được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình, dự án động lực, tạo sức lan tỏa. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 45%, tạo tiền đề hình thành các khu đô thị lớn, hiện đại, thông minh, sinh thái. Diện mạo nông thôn nhiều đổi mới; là tỉnh về đích sớm thứ 3 trong hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh gắn với chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Chỉ số PCI được cải thiện vượt bậc, trong 3 năm 2021-2023 tăng 41 bậc, từ 53/63 lên 12/63.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; bảo đảm an sinh xã hội, người dân được thụ hưởng thành quả phát triển. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 0,86% năm 2023 (phấn đấu còn dưới 0,5 % năm 2025).
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hưng Yên đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào phát triển chung của cả nước; đồng thời nhấn mạnh cần cảm ơn, tri ân các thế hệ đi trước về những thành quả, bài học kinh nghiệm để lại cho hôm nay.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng hoan nghênh tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện của Hưng Yên trong triển khai 3 tuyến đường quan trọng, huyết mạch theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, củng cố niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân, các nhà đầu tư với Hưng Yên.
Theo Thủ tướng, về vị trí địa lý, "Hưng Yên có nhiều nơi gần Hà Nội hơn cả Hà Nội", nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Hồng, song để phát huy được lợi thế này, cần có 3 tuyến đường huyết mạch để "kéo" Hưng Yên gần hơn với Hà Nội, Hải Phòng và các trung tâm kinh tế lớn, các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng.
Trong đó, tuyến đường nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ vừa được khánh thành, tuyến đường Tân Phúc-Võng Phan vừa được khởi công và tuyến đường kết nối di sản sông Hồng có thể khởi công trong cuối năm 2024.
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, Hưng Yên vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, thách thức: Phát triển kinh tế chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là lợi thế của liên kết vùng; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; cải cách thủ tục hành chính cần nỗ lực hơn; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường cần hiệu quả hơn... Thủ tướng lấy ví dụ về tình trạng ô nhiễm trên sông Bắc Hưng Hải, cần khắc phục, xử lý thời gian tới.
Thủ tướng đánh giá Quy hoạch tỉnh Hưng Yên đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống, văn hóa, lịch sử, vừa mang tính kế thừa và phát triển.
Quy hoạch đã cụ thể hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thể hiện khát vọng và qua đó góp phần quan trọng hiện thực hoá mục tiêu phát triển Hưng Yên giàu đẹp, hiện đại, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.
"Quy hoạch chỉ ra được những điểm khác biệt, nổi trội của Hưng Yên so với các tỉnh xung quanh, từ đó phát triển không trùng dẫm mà liên kết, hỗ trợ lẫn nhau", Thủ tướng đánh giá.
Mục tiêu Quy hoạch đã được xác định rõ, đến năm 2030, Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng.
Để tỉnh đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần làm nên "kỳ tích sông Hồng", Hưng Yên phải tích cực trong việc triển khai, cụ thể hóa Quy hoạch. Thủ tướng lưu ý các định hướng lớn, theo đó, tổ chức không gian kinh tế-xã hội theo mô hình "mạng lưới", đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc khung phát triển gồm 02 vùng, 02 hành lang, 05 trục, 03 trung tâm mà Quy hoạch đã chỉ ra; thực hiện tốt định hướng phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; tập trung thực hiện các đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực).
Thủ tướng đề nghị tỉnh Hưng Yên thực hiện tốt phương châm "1 tập trung - 2 tăng cường - 3 đẩy mạnh".
"1 tập trung" là: Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tạo đột phá vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững...).
"Các khu công nghiệp phải chọn lọc, thu hút đầu tư công nghệ cao để người lao động nâng cao trình độ, tay nghề, năng suất lao động, từ đó mang lại thu nhập cao và nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
"2 tăng cường" là: (1) Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội); (2) Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, chuỗi sản xuất và cung ứng...
"3 đẩy mạnh" là: (1) Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, chuyển đổi số, y tế, giáo dục, xã hội...); (2) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất-cung ứng, nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; (3) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
Thủ tướng chỉ rõ 08 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mà trước hết là bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh khoa học, phù hợp với nguồn lực, tình hình, yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng.
Thứ ba, huy động tối đa và sử dụng các nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, ưu tiên hạ tầng giao thông tạo kết nối trong nước, quốc tế. Ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm, có tính lan tỏa lớn, tạo không gian phát triển mới, động lực, năng lực mới.
Thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, tạo vườn ươm, phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp lớn; phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ; có chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ năm, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Mở rộng, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết chuỗi; chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao. Phát huy vai trò động lực của các đô thị, thúc đẩy sự phát triển văn minh, hiện đại và bền vững.
Thứ sáu, phát triển toàn diện văn hóa, xã hội; làm nổi bật bản sắc văn hóa, truyền thống vùng đất văn hiến, thế mạnh về sinh thái, tâm linh, lễ hội. Phấn đấu lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển con người có thứ hạng cao; nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Tập trung hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Thứ bảy, chú trọng xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp và hệ thống chính trị; đẩy mạnh đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thứ tám, làm tốt công tác truyền thông chính sách, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quy hoạch tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ Quy hoạch, làm theo Quy hoạch, giám sát việc thực hiện Quy hoạch và thụ hưởng thành quả với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng".
Để hỗ trợ Hưng Yên tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương luôn đồng hành, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của Hưng Yên, người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Hưng Yên, đề nghị hoạt động, kinh doanh đúng quy định của pháp luật, thực hiện thật tốt văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động; chú trọng góp ý hoàn thiện chính sách, đào tạo nhân lực, hỗ trợ nguồn vốn, nâng cao năng lực quản trị, chuyển giao công nghệ; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "cùng lắng nghe, thấu hiểu"; "chia sẻ tầm nhìn và hành động"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển" giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng anh hùng, với đà phát triển mạnh trong những năm qua, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Hưng Yên sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như Quy hoạch đã công bố, với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước./.