Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cùng dự lễ khởi công do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức có đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương; đông đảo người dân địa phương.
Đây là sự kiện đầu tiên trong chương trình công tác của Thủ tướng Chính phủ khởi công, kiểm tra các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành kết nối từ đường Vành đai 3 TPHCM đến thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Đây là cao tốc đầu tiên kết nối TPHCM với Bình Dương, Bình Phước và sẽ tiếp tục liên thông với cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa (Đắk Nông) để kết nối lên Tây Nguyên.
Cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 59,2 km, trong đó đoạn qua Bình Dương dài 52,1 km; qua Bình Phước 7,1 km. Ngoài ra còn đoạn nối từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 dài khoảng 7 km gồm 4 km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư quy mô đường đô thị 8 làn và 3 km địa phận TPHCM chưa đầu tư.
Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ kết nối vùng Đông Nam Bộ, tạo động lực phát triển cho các địa phương, mở ra không gian phát triển mới. Khi dự án đường cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa hoàn thành sẽ kết nối với khu vực Tây Nguyên, tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương trong khu vực và cả nước.
Dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành giai đoạn 1 vừa khởi công được đầu tư với quy mô 4 làn xe; tổng mức đầu tư khoảng 17.400 tỷ đồng, riêng chi phí xây lắp hơn 8.833 tỷ đồng, được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP); thời gian thực hiện 36 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực; dự kiến hoàn thành năm 2027.
Liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC), Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC), Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex Bình Phước (BCMC) và Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả.
Liên danh nhà đầu tư dự án là sự kết hợp giữa các đơn vị trong hệ sinh thái Becamex - doanh nghiệp Nhà nước chủ lực của tỉnh Bình Dương và Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư - tổng thầu thi công - quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông.
Nhân dịp này, tỉnh Bình Dương trao quyết định đầu tư xây dựng 7 dự án nhà ở xã hội với tổng số vốn gần 8.500 tỷ đồng, dự kiến đem đến 9.200 căn hộ là mái ấm cho người lao động, người dân có thu nhập thấp; trao giấy phép đầu tư 8 dự án đầu tư nước ngoài (gồm các dự án cấp mới và dự án điều chỉnh) với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD.
Ý nghĩa quan trọng, chiến lược với Tây Nguyên
Phát lệnh khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện "mừng Đảng, mừng Xuân" này trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), mừng xuân đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thể hiện tinh thần làm việc quyết liệt, khẩn trương, hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Dương.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu của tỉnh Bình Dương năm 2024, đặc biệt là trong thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung, cùng cả nước đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, với nhiều nhiệm vụ quan trọng: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8%, phấn đấu để thời gian tới tăng trưởng 2 con số; rà soát, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Dương bám sát các nhiệm vụ nói trên, tiếp tục phát huy truyền thống nhiều năm qua các thế hệ, tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, là tỉnh kiểu mẫu cho cả nước học tập, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đóng góp tích cực trong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực.
Thủ tướng mong muốn Bình Dương tiên phong trong thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, tiên phong trong triển khai quy hoạch vùng, tiên phong thu hút đầu tư chất lượng cao, tiên phong phát triển hạ tầng kết nối vùng, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, hùng cường, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Với việc triển khai dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương rà soát lại các thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tính toán lại tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án vào ngày 2/9/2026 (sớm hơn dự kiến là năm 2027); bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường; kiểm tra, đôn đốc, chăm lo việc tái định cư cho nhân dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, giám sát với trách nhiệm cao nhất phải bám sát mục tiêu, yêu cầu, chấp hành nghiêm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng; thực hiện đầy đủ, đúng thủ tục, quy trình thi công; làm việc với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua dông bão", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ.
Nhấn mạnh dự án TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và kéo dài lên Gia Nghĩa (Đắk Nông) có ý nghĩa chiến lược, Thủ tướng nêu rõ, dự án này phần lớn đi qua tỉnh Bình Dương, rất quan trọng với Bình Dương, nhưng với Tây Nguyên còn quan trọng hơn, "có con đường này thì Đắk Nông mới thoát nghèo được, Bình Phước mới giàu lên được".
Do đó, Thủ tướng yêu cầu TPHCM khẩn trương đầu tư càng sớm càng tốt đoạn tuyến 3 km thuộc địa phận TPHCM, tỉnh Bình Phước đẩy nhanh việc triển khai đoạn tuyến 7 km còn lại qua tỉnh với tinh thần không trông chờ, ỷ lại và mục tiêu hoàn thành trong năm 2025 để nối thông toàn tuyến khi đoạn qua Bình Dương hoàn thành.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong quý I/2025, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan phải hoàn thành xong các thủ tục để khởi công trước ngày 30/4/2025 tuyến đường cao tốc từ Chơn Thành (Bình Phước) tới Gia Nghĩa (Đắk Nông) để tới kết nối giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đây là mệnh lệnh của trái tim, phải thực hiện bằng được để đáp ứng mong đợi của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển và tri ân những người đã khuất, đã cống hiến, hy sinh vì đất nước, với vùng đất này.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu TPHCM và Tây Ninh khẩn trương chuẩn bị các thủ tục để sớm khởi công dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài; đẩy mạnh các dự án kết nối vùng Đông Nam Bộ như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, dự án Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM…; nghiên cứu triển khai tuyến tàu điện kết nối TPHCM (từ Bến Thành - Suối Tiên) tới Bình Dương.
Đánh giá cao việc Bình Dương khởi công các dự án nhà ở xã hội, đóng góp vào sự phát triển nhanh, bền vững theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới cách làm, cắt giảm thủ tục, xóa bỏ xin cho, triển khai nhanh việc chuẩn bị, triển khai các dự án nhà ở xã hội theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, quyết liệt triển khai, hoàn thành chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi quan niệm về chất lượng và môi trường sống của nhà ở xã hội; không phải chỗ nào không làm nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước về đất đai, có sự hỗ trợ của ngân hàng về vốn và hỗ trợ của các chủ thể khác. Với các hình thức thuê, mua và thuê mua, nhà ở xã hội phải bảo đảm chất lượng, xanh, sạch, đẹp, đầy đủ hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hạ tầng xã hội thiết yếu…
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các địa phương quyết liệt triển khai, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025.
* Sáng 1/2 (tức mùng 4 Tết Ất Tỵ), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới động viên, tặng quà Tết cán bộ, công nhân trên công trường và kiểm tra, đôn đốc, tiếp tục nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Đây cũng là lần thứ 6 Thủ tướng Phạm Minh Chính tới công trường sân bay Long Thành trong 3 năm qua.
Dự án sân bay Long Thành gồm 4 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 (trụ sở các cơ quan nhà nước), dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay), dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu), dự án thành phần 4 (các công trình dịch vụ mặt đất).
Ngay trước Tết, ngày 25/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về tiến độ triển khai dự án này và có những chỉ đạo rất cụ thể với các cơ quan, đơn vị với mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.
Phát biểu tại cuộc làm việc kéo dài quá 13h chiều trên công trường dự án, sau khi nghe các bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo cáo về việc triển khai các nhiệm vụ nói trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan trong triển khai dự án, đồng thời biểu dương khí thế triển khai công việc với khoảng gần 4.000 cán bộ, công nhân ở lại công trường trong dịp Tết. Đặc biệt, các thiết bị tại nhà ga hành khách đang được lắp đặt, ngày 15/2 sẽ lắp đặt giàn mái trung tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, dự án sân bay lớn nhất của nước ta, có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải với hàng nghìn chuyến bay mỗi ngày. Việc hoàn thành sân bay Long Thành cũng thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và các ngày lễ lớn trong năm 2025.
Nêu rõ mục tiêu không có gì thay đổi so với chỉ đạo trước đây, đó là cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành vào cuối năm 2025, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị và ACV khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 25/1 và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; rà soát, xây dựng lại đường găng tiến độ theo mục tiêu để triển khai công việc và theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư xây dựng dự án, kịp thời xử lý vướng mắc, phát sinh theo thẩm quyền, báo cáo những vấn đề cấp bách, vượt thẩm quyền.
Lưu ý thêm một số nhiệm vụ, đánh giá dự án thành phần 3 vẫn là phần việc khó khăn, nặng nề nhất, Thủ tướng yêu cầu ACV và các cơ quan liên quan tăng cường máy móc, nhân lực, thi công, lắp đặt thiết bị với 3 ca 4 kíp, xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió"; tăng cường nhà thầu phụ, huy động cả lực lượng công an, quân đội, công đoàn… với các việc có thể làm được như dọn dẹp vệ sinh, hoàn nguyên môi trường.
Với các thiết bị gặp khó khăn như các thiết bị máy soi và băng tải phải đặt ở nước ngoài, ACV cần sang tận nhà máy của nhà cung cấp ở nước ngoài để làm việc, thúc đẩy rút ngắn tiến độ.
Cùng với đó, các cơ quan nghiên cứu phương án bố trí mặt bằng thi công hợp lý để đồng thời triển khai các hạng mục công trình, không để chồng chéo, cản trở tiến độ trên công trường dự án rộng tới 5.000 ha.
Về nguyên vật liệu, Thủ tướng yêu cầu trong tuần tới, Đồng Nai họp với các bộ, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về việc cấp nguyên vật liệu trên tinh thần cung cấp trực tiếp cho các nhà thầu, không qua trung gian; thu hồi các mỏ hết thời hạn khai thác hoặc làm không đúng quy định, lợi dụng tình hình găm hàng, trục lợi, đội giá, xử lý nghiêm các trường hợp để răn đe. Bộ Công an phải vào cuộc để làm việc này.
Thủ tướng cũng tiếp tục chỉ đạo các nhiệm vụ liên quan xây dựng nhà chứa máy bay (hangar), xây dựng các tuyến giao thông kết nối (trong đó có tuyến tàu điện ngầm từ sân bay Tân Sơn Nhất tới sân bay Long Thành), tiến hành nghiệm thu kịp thời…
Với các khó khăn, vướng mắc, các bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu… báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà để giải quyết ngay. Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hằng tháng cần triệu tập cuộc họp với các chủ thể liên quan để đôn đốc, chỉ đạo, giải quyết các vấn đề phát sinh.
Thủ tướng nhấn mạnh phải phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, kiểm tra thường xuyên, khen thưởng, kỷ luật kịp thời theo quy định của Đảng, Nhà nước.
* Ngày 1/2 (tức mùng 4 Tết Ất Tỵ), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới động viên, tặng quà Tết cán bộ, công nhân trên công trường và kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy tiến độ dự án xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM, tại 2 điểm là nút giao Tân Vạn và cầu Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Cùng đi với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,34 km, đi qua địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, có tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng; được khởi công tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2026. Hiện nay, các dự án thành phần đã giải phóng mặt bằng đạt từ 90-100%. Các dự án thi công xây dựng đạt từ 22-62%.
Nút giao Tân Vạn ở TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương thuộc dự án thành phần 5 của dự án xây dựng đường Vành đai 3 - được khởi công tháng 4/2024 dự kiến hoàn thành tháng 12/2026, với mức đầu tư 1.848 tỷ đồng.
Kiểm tra công trường thi công nút giao này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, đây là nút giao phức tạp và đồ sộ nhất của dự án Vành đai 3 TPHCM cũng như tại nước ta hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương và cảm ơn các lực lượng thi công xuyên Tết trên công trường; đánh giá cao tỉnh Bình Dương đã tích cực giải phóng mặt bằng đạt gần 90%, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thành hơn 10% mặt bằng còn lại; di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy thi công hoàn thành đúng tiến độ.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu xây dựng dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét để tại nút giao này kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông của cả khu vực và cả nước; để khi đường Vành đai 3 nói chung và nút giao Tân Vạn nói riêng đi vào khai thác đảm bảo liên thông, đồng bộ, hiện đại. Trong đó, xây dựng dự án nâng cấp 15,3 km đường Mỹ Phước - Tân Vạn để khai thác đồng bộ với đường Vành đai 3 TPHCM.
Còn cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, là cây cầu lớn nhất trên đường vành đai 3 TPHCM – có chiều dài tuyến 8,22 km, tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 9/2025.
Kiểm tra, động viên lực lượng thi công cầu Nhơn Trạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công; các đơn vị thi công đã thực hiện nghiêm chỉ đạo, sản lượng thi công của dự án đạt 84,15% hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương liên quan học tập tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng; tập trung chỉ đạo triển khai thi công các dự án thành phần trên địa bàn, quyết liệt chỉ đạo nhà thầu tiếp tục chủ động nguồn vật liệu đắp nền đường, huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, vật lực, tập trung thi công "3 ca, 4 kíp" để bảo đảm tiến độ.
Riêng dự án thành phần 1 phải hoàn thành theo đúng kế hoạch vào tháng 6/2026, trong đó phấn đấu hoàn thành công trình cầu Nhơn Trạch vào dịp 30/4/2025, chào mừng 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
* Chiều 1/2 (tức mùng 4 Tết Ất Tỵ), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới động viên, tặng quà Tết cán bộ, công nhân trên công trường và kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy tiến độ dự án Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (TPHCM).
Cùng đi với Thủ tướng có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Phạm Minh Chính tới công trường để kiểm tra, đôn đốc dự án này (không tính lần khởi công dự án).
Dự án Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 10.986 tỷ đồng; quy mô xây dựng 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, diện tích 112.500 m2 với lưu lượng vận chuyển 20 triệu hành khách/năm, tương ứng với 7.000 hành khách/giờ cao điểm. Nhà ga T3 được kết nối bằng 11 cầu ống lồng dẫn khách.
Dự án khởi công tháng 8/2023, đến thời điểm hiện nay, các công việc chính đã cơ bản hoàn thành, tổng khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 83%; phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình, để vận hành và đưa nhà ga vào khai thác đúng dịp 30/4/2025 (vượt tiến độ khoảng 3 tháng).
ACV báo cáo việc triển khai thi công dự án kiểm soát được tiến độ, không có khó khăn, vướng mắc và các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra các thủ tục nghiệm thu công trình, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, cấp phép khai thác công trình.
Dự kiến, hạng mục cầu tầng hoàn thành 20/2/2025; hệ thống thang máy, thang cuốn hoàn thành lắp đặt toàn bộ trong tháng 2/2025; hệ thống cầu ống lồng hoàn thành trong tháng 1/2025; hệ thống băng tải hành lý hoàn thành trong tháng 2/2025; hệ thống máy soi dự kiến hoàn thành trong tháng 2/2025.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là một trong 50 công trình của Thành phố chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025).
Sau khi đi thị sát công trường, phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương tất cả các chủ thể liên quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai dự án với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", riêng trong dịp Tết này có khoảng 600 cán bộ, công nhân ở lại công trường.
Chúng ta có thể tự hào sau 16 tháng đã vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc, "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", làm "3 ca, 4 kíp", làm việc xuyên ngày Tết, ngày lễ, đưa công trình vượt tiến độ, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng biểu dương TPHCM đã khẩn trương triển khai, cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối; Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng; cảm ơn người dân đã nhường mặt bằng cho dự án.
Thủ tướng đánh giá cao ACV đã có tiến bộ, trưởng thành trong quá trình triển khai dự án. Những thành tựu, kết quả và kinh nghiệm trong triển khai Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sẽ giúp ACV và các cơ quan liên quan có thêm tự tin, bản lĩnh để làm các công trình hạ tầng lớn hơn khác, trong đó dự án sân bay Long Thành.
Về công việc sắp tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, UBND TPHCM và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu thống nhất địa điểm, phương án di dời trung tâm chỉ huy của Sư đoàn Không quân 370 để chuyển mặt bằng cho hàng không dân dụng để bố trí các tuyến giao thông, công trình tạo cảnh quan khu vực Nhà ga T3 và khai thác hiệu quả Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, đồng thời, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; hoàn thành trong tháng 2/2025.
Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại, các công trình liên quan, như nhà để xe, hệ thống cầu cạn, sân đỗ máy bay, hệ thống chiếu sáng, điều hoà, phòng cháy, chữa cháy, ống lồng, băng chuyền, băng tải hành lý, máy soi chiếu, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải, hoàn thiện cảnh quan, bảo đảm sáng, xanh, sạch, đẹp.
Cùng với đó, nghiệm thu, quyết toán theo quy định; rà soát, bảo đảm những người dân nhường mặt bằng cho dự án có nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Thủ tướng lưu ý các cơ quan tính toán kỹ lưỡng việc khai thác các Nhà ga T1, T2, T3 của sân bay Tân Sơn Nhất hợp lý, hiệu quả nhất, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không.
* Chiều 1/2 (tức mùng 4 Tết Tân Tỵ), tại TPHCM, nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và thăm hỏi, chúc Tết gia đình, thân nhân đồng chí Phan Văn Khải.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người đảng viên cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải đã có nhiều đóng góp quan trọng trong đổi mới thể chế pháp luật và hội nhập của đất nước, nhất là về kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tưởng nhớ các nhà lãnh đạo tiền bối, chúng ta nguyện noi gương, học tập, tiếp bước, nêu cao tinh thần đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; giữ gìn, vun đắp thành quả cách mạng mà các thế hệ đi trước đã giành được, tiếp tục xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các thành viên trong gia đình cố Thủ tướng Phan Văn Khải lời chúc mừng năm mới sức khỏe, an khang, thịnh vượng; tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống gia đình, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.