Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Thủ tướng và đoàn Việt Nam đến bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Sáng 19/8, tại Làng hữu nghị Thái-Việt ở bản Mạy (xã Nõn Giạn, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan), nơi Bác Hồ dừng chân vào tháng 7/1928, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã có buổi gặp mặt trên 500 Việt kiều thay mặt cho cộng đồng kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập và kinh doanh trên khắp các tỉnh, thành phố ở Thái Lan.
Bản Mạy được thành lập từ những năm đầu của thế kỷ XX do những người Việt từ Hà Tĩnh, Quảng Bình di cư lập nghiệp với 118 hộ, gần 1.000 nhân khẩu, trong đó hơn 90% là người Việt. Làng hữu nghị hiện là nơi sum họp của bà con Việt kiều Nakhon Phanom cũng như Việt kiều cả vùng Đông Bắc Thái Lan. Vào các dịp lễ tết, bà con Việt kiều thường tổ chức họp mặt tại đây nhằm thắt chặt tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và cùng giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thay mặt cộng đồng bà con Việt kiều, ông Cao Văn San, Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam toàn Thái Lan phát biểu, bày tỏ tin tưởng sâu sắc vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước dưới sự quản lý, điều hành của Chính phủ, đồng thời cũng thể hiện những tình cảm sâu sắc của cộng đồng bà con Việt kiều tuy sinh sống xa xứ nhưng vẫn một lòng gắn bó với quê hương đất nước.
Được thành lập từ năm 2013, Tổng hội Người Việt Nam tại Thái Lan hiện có 25 hội thành viên trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Tổng hội và các hội đoàn trực thuộc cũng chú ý phát huy vai trò cầu nối hợp tác làm ăn giữa các địa phương và doanh nghiệp hai nước; tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa xã hội, đẩy mạnh dạy tiếng Việt trong cộng đồng. Tổng hội thực sự là mái nhà chung cho cộng đồng bà con Việt kiều tại Thái Lan.
![]() |
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Khẳng định mục đích chuyến thăm nhằm đưa mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các nhà lãnh đạo Thái Lan đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của nước sở tại.
Chuyển lời thăm hỏi ân cần của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến bà con cộng đồng người Việt tại Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến mối quan hệ Đối tác chiến lược duy nhất của hai nước Việt Nam, Thái Lan trong khối ASEAN và khẳng định, Đảng, Nhà nước rất chú trọng phát triển mối quan hệ với Thái Lan.
![]() |
Thủ tướng và Phu nhân đến thăm Trung tâm Hữu nghị Nakhon Phanom-Hà Nội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trong các cuộc hội đàm, gặp gỡ lãnh đạo Thái Lan, Thủ tướng đã đề nghị Chính phủ Thái Lan tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt tại Thái Lan được định cư lâu dài và phát triển, có địa vị pháp lý. “Bà con có thể yên tâm làm ăn, sinh sống”, Thủ tướng khẳng định.
Nhân dịp này Thủ tướng cũng bày tỏ cảm ơn Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, chính quyền tỉnh Nakhon Phanom đã quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho việc xây dựng, mở rộng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Làng hữu nghị Thái-Việt; biểu dương các hội đoàn và bà con Việt kiều đã góp phần xây dựng và bảo trì công trình tưởng niệm đặc biệt có giá trị về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ tại tỉnh Nakhon Phanom.
![]() |
Thủ tướng và Phu nhân thăm Trung tâm Hữu nghị Nakhon Phanom-Hà Nội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Làm việc với lãnh đạo Trung tâm, Thủ tướng cho rằng, đây là một biểu tượng của quan hệ hợp tác Việt Nam-Thái Lan nói chung và giữa TP. Hà Nội và tỉnh Nakhon Phanom nói riêng. Chân thành cảm ơn chính quyền địa phương, các thầy cô giáo đã dày công nghiên cứu, giảng dạy cho các em học sinh nhiều năm qua, Thủ tướng mong muốn Trung tâm này tiếp tục phát huy hiệu quả và mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng.
![]() |
Thủ tướng, Phu nhân thăm Trung tâm Hữu nghị Nakhon Phanom-Hà Nội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trong sổ lưu niệm tại Trung tâm, Thủ tướng viết: “Lịch sử thăng trầm, vạn vật đổi thay, cái còn lại mãi chính là văn hóa và ngôn ngữ cha sinh mẹ đẻ. Những giá trị di sản trân quý của dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi được lưu truyền như tình hữu nghị giữa hai dân tộc Thái,Việt mãi mãi bền vững. Trung tâm Nakhon Phanom-Hà Nội sẽ tiếp tục là cầu nối, là mái nhà chung cho những ai yêu Việt Nam, yêu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam”.
Đức Tuân