Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 11/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Cùng tham dự cuộc làm việc các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Thanh Hóa; khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Cảng biển Nghi Sơn và Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn); thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực tại thị xã Nghi Sơn.
Báo cáo của tỉnh Thanh Hóa và ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện.
GRDP bình quân hàng năm (giai đoạn 2021-2023) tăng khá, ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. 9 tháng năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 7,72%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 48,4%; dịch vụ chiếm 31,8%; nông nghiệp chiếm 13,8%).
Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Giai đoạn 2021-2023, ước đón 26,5 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỷ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm.
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn, nhiều dự án giao thông quan trọng liên kết các huyện miền núi với trung du, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thúc đẩy khai thác hiệu quả thế mạnh của tỉnh.
Giai đoạn 2021-2023 đã thành lập mới 10.700 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
Thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, hàng năm luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước.
Xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo; ước đến hết năm 2023, có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt tỉ lệ 48,15%).
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống của Nnân dân được nâng lên. Chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên; thể thao thành tích cao đạt nhiều huy chương tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19; hỗ trợ đồng bào sinh sống trên sông làm nhà trên bờ để ổn định cuộc sống. Tỉ lệ hộ nghèo năm 2023 ước còn 3,79%, bình quân giảm 1,5%/năm.
Năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 3 cả nước, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 10 cả nước, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 5 cả nước.
Quốc phòng-an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, đạt kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục được đổi mới, ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích về những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Theo đó, Thanh Hóa thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ, là một tỉnh lớn với diện tích đứng thứ 5 (11.120 km2, sau Nghệ An, Gia Lai, Sơn La, Đắk Lắk) và dân số đứng thứ 3 (3,74 triệu người, chỉ sau sau Hà Nội và TPHCM) của cả nước.
Thanh Hóa được xem như là một Việt Nam thu nhỏ, có đầy đủ miền núi và trung du, đồng bằng, ven biển và biên giới; có nhiều tài nguyên khoáng sản; có 102 km bờ biển, 213 km đường biên giới với nước bạn Lào; có 27 huyện, thị xã, thành phố (2 thành phố, 2 thị xã, 23 huyện), 559 xã, phường, thị trấn. Riêng khu vực miền núi có 11 huyện, 175 xã, thị trấn, diện tích gần 8.000 km2 (2/3 diện tích cả tỉnh), dân số trên 1,1 triệu người; có 16 xã biên giới, 701.000 người dân tộc thiểu số.
Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa có 31 đảng bộ trực thuộc, 1.462 tổ chức cơ sở đảng với gần 240.000 đảng viên (đứng thứ 2 cả nước, sau Hà Nội).
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa là "vùng đất phên dậu", "một vùng đất căn bản", "đất bản triều", giữ vị trí trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế, nơi khởi nguồn nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Thanh Hóa là vùng đất "địa linh, nhân kiệt", giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng, nơi phát tích của các triều đại, cái nôi sinh thành và nuôi dưỡng nhiều bậc hiền tài cho đất nước... Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển ấy, cốt cách người xứ Thanh cần cù, chịu khó, hiếu học, sáng tạo trong lao động; gan dạ, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu vẫn luôn là niềm tự hào, kiêu hãnh, là nguồn lực nội sinh quý giá được kế thừa và phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Tỉnh cũng là một trong những tỉnh có đầy đủ hệ thống giao thông: đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không, rất thuận lợi cho giao thương, kết nối giữa đồng bằng Bắc bộ rộng lớn với khu vực miền Trung dài và hẹp.
Thanh Hóa là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc.
Hệ thống khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp ngày càng phát triển. Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn trở thành "đòn bẩy" thúc đẩy phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh.
Thanh Hóa có tiềm năng về du lịch lớn với nền văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, có những di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng (Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Di tích thành Nhà Hồ; bãi biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến; Vườn quốc gia Bến En; Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; suối cá thần Cẩm Lương, …). Có 7 dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú từ bao đời đoàn kết bên nhau cùng chung sống, bức khảm tộc người đó ở tỉnh Thanh làm phong phú thêm sắc màu cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc; ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Sau Đại hội XIII của Đảng, tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đáng mừng trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, Thủ tướng nêu rõ Thanh Hóa còn nhiều vấn đề cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Theo đó, động lực tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào Khu Kinh tế Nghi Sơn, những vấn đề liên quan tới môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, công tá cán bộ…
Thủ tướng yêu cầu cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nhất là những nguyên nhân chủ quan, từ đó tìm ra biện pháp khắc phục hiệu quả.
Thủ tướng nhắc lại, ngày 20/2/1947, Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Người đã căn dặn: "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh 'kiểu mẫu' và khẳng định niềm tin: Tỉnh Thanh Hoá theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt".
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ một số quan điểm, định hướng lớn. Theo đó, phải giữ vững, củng cố và phát huy đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng; quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội; phát huy tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; huy động sức mạnh toàn dân; giữ vững quốc phòng, an ninh không để đột xuất, bất ngờ; đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng lưu ý, cơ chế, chính sách phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản lý điều hành phải thông minh; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để; phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của vùng đất và con người xứ Thanh, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại; phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, an sinh và phúc lợi xã hội.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tinh Thanh Hóa, Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03/02/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Cùng với đó, chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.
Cơ bản đồng ý các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới nêu trong báo cáo, ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng lưu ý một số nội dung.
Trước hết, Thanh Hóa cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương, triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025), trong đó tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 3 trụ cột tăng trưởng, 8 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV và các cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành.
Thời gian tới, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua tiếp cận đất đai, vốn, giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận thị trường.
Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt công suất thiết kế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang triển khai; thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, sản xuất thông minh; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ.
Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.
Phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới; thu hút đầu tư các nhà máy chế biến gắn với xây dựng vùng nguyên liệu; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp; rà soát, kiên quyết cắt giảm, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường; khắc phục điểm nghẽn về mặt bằng, về hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch, cơ chế, chính sách;... nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các nút giao cao tốc nhằm tạo ra không gian phát triển mới; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công để dẫn dắt, thu hút nguồn lực hợp pháp của xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Thúc đẩy phát triển khu vực phía Tây và miền núi của tỉnh, nơi chiếm 1/3 dân số và 2/3 diện tích của tỉnh.
Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch, vận tải, logistics, thương mại, với các sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động khoa học-công nghệ; thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp, trường đại học, cơ sở đào tạo; xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, các chuyên gia đầu ngành về làm việc tại tỉnh.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là quản lý môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp…
Tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo. Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp. Khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên và tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Đẩy mạnh quảng bá về du lịch lễ hội; đang dạng hóa các sản phẩm du lịch (lễ hội, làng nghề, ẩm thực…); nâng cao chất lượng nhân lực du lịch. Quan tâm phúc lợi xã hội đối với lao động khu công nghiệp, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch. Sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém để nâng cao thứ hạng các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư, như: Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI, Chỉ số cải PAR INDEX.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Thực hiện hiệu quả các Nghị quyết về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn khu vực biên giới, tuyến biển, các độ thị, khu kinh tế. Giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài.
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ ngành đã trả lời, Thủ tướng đã cho ý kiến về từng đề xuất, kiến nghị của Thanh Hóa liên quan tới các quy định hiện hành về chuyển mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất; hướng dẫn trình tự, thủ tục giao mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công dự án hạ tầng giao thông quan trọng; điều kiện về tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp khi quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng cũng cho ý kiến với một số vấn đề cụ thể, như chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội; giải quyết vướng mắc đối với dự án thủy điện Hồi Xuân, dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp Xuân Lai, huyện Như Thanh…
Liên quan tới một số dự án giao thông, Thủ tướng đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Thanh Hóa là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng Cảng hàng không Thọ Xuân theo phương thức PPP; giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn.
Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương đầu tư tuyến đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) với Quốc lộ 6 (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), có ý nghĩa chiến lược kết nối Thanh Hóa và các tỉnh Tây Bắc, dài khoảng 89 km với tổng mức đầu tư là 3.500 tỷ đồng, trên tinh thần là khẩn trương triển khai các thủ tục để triển khai sớm.
Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý đầu tư dự án nạo vét luồng tàu vào cảng Nghi Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Về tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành vào cuộc để cùng Thanh Hóa giải quyết, đồng thời Thanh Hóa phải chủ động triển khai các giải pháp, cơ cấu lại các trường lớp theo nguyên tắc ở đâu có học sinh thì ở đó có giáo viên nhưng phải bố trí hợp lý, hiệu quả, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh địa phương. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ con em vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn…
Hà Văn