Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Hội nghị do Bộ Ngoại giao (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền) tổ chức trong bối cảnh các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gần đây đã phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Lào và hai nước đã trao đổi công hàm thông báo hai văn kiện này chính thức có hiệu lực từ ngày 5/9/2017.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, đã trình bày báo cáo tổng kết quá trình triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào.
Theo đó, hai bên đã cắm 834 cột mốc chính tại 792 vị trí theo như kế hoạch ban đầu, đồng thời cắm bổ sung 168 cọc dấu tại 113 vị trí để làm rõ thêm đường biên giới ở một số khu vực (tổng số mốc trên toàn tuyến tăng gấp 4,5 lần so với trước, trung bình khoảng 2,6 km có một vị trí mốc hoặc cọc dấu).
Trong quá trình này, hai bên đã phối hợp tổ chức 63 cuộc họp các cấp, gần 100 đoàn công tác liên ngành song phương và hàng nghìn cuộc họp, làm việc giữa các cặp tỉnh và các đội cắm mốc liên hợp.
Hai bên đã lập, kiểm tra, nghiệm thu 1.002 bộ hồ sơ pháp lý mốc quốc giới (gồm biên bản cắm mốc và kết quả đo tọa độ và độ cao mốc quốc giới bằng máy GPS hai tần số).
“Hôm nay, chúng ta vui mừng về thành công thực hiện kế hoạch tổng thể công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam-Lào”, Thủ tướng phát biểu và biểu dương thành tích của Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Khẳng định vấn đề biên giới lãnh thổ luôn luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, Thủ tướng cho rằng, công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào đã được kiên trì thực hiện trong thời gian dài, đạt nhiều kết quả quan trọng khi mà nhiều vị trí cắm mốc ở “rừng cao, núi rậm, thời tiết, giao thông đi lại hết sức khó khăn, hiểm trở, phức tạp”. “Tôi biết không có ai hy sinh, nhưng có nhiều đồng chí bị thương”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham quan tư liệu công tác xây dựng biên giới hữu nghị Việt-Lào. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng đánh giá cao 10 địa phương và nhân dân biên giới, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng biên giới đã giúp đỡ các đội cắm mốc hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ thành công này, chúng ta đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào, đã chỉnh lý, bổ sung và in chính thức các bộ bản đồ về đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào. Hai bên cũng đã ký 2 văn kiện quan trọng: Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào.
“Việc tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới quốc gia Việt Nam-Lào là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự thống nhất cao, sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai nước Việt Nam-Lào”, Thủ tướng nói.
Công trình này là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, toàn diện giữa hai nước Việt-Lào khi chúng ta xây dựng đường biên giới ổn định, hòa bình, cùng phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Đây cũng là bài học quốc tế sâu sắc về biên giới, lãnh thổ.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ Lào cùng các bộ, ban, ngành liên quan và nhân dân biên giới Lào-Việt đã tích cực phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, lực lượng liên quan của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện tôn dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt-Lào.
“Công trình này thực sự là tài sản vô giá, truyền lại cho các thế hệ con cháu của hai nước tiếp tục kế thừa trong tương lai”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem bản đồ công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, phát huy hiệu quả công trình tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt-Lào, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước về quản lý biên giới, lãnh thổ quốc gia. Tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 36 ngày 13/9/2017 của Thủ tướng với 15 nhiệm vụ cụ thể.
Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân biên giới, nhất là đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Cấp ủy chính quyền, nhân dân tiếp tục giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bảo đảm an ninh trật tự, lưu ý vấn đề phòng chống tội phạm, buôn lậu, vận chuyển ma túy và di cư tự do qua biên giới.
Các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía bạn Lào tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Lào.
Trên cơ sở 2 văn kiện này và quy định của pháp luật hiện hành, các bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý biên giới, cửa khẩu biên giới theo chức năng nhiệm vụ được giao; kịp thời phát hiện, báo cáo, kiến nghị lên cấp có thẩm quyền về biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh, trong đó xử lý nghiêm kẻ xấu phá hoại mốc giới. Bộ Ngoại giao định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng về kết quả thực hiện 2 văn kiện này.
Phối hợp chặt chẽ với phía Lào để gia cố, sửa chữa, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, nhất là xử lý kịp thời mốc hư hỏng, sạt lở do thiên tai.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho các tập thể và cá nhân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương biên giới của Lào trong hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch vùng biên giới; đẩy mạnh hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là các tuyến giao thông tại các địa phương biên giới, phát triển hệ thống cửa khẩu, hạ tầng thương mại biên giới.
Cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của các văn bản pháp lý biên giới Việt Nam-Lào đã ký kết, về ý nghĩa của hệ thống mốc giới trên thực địa.
Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có kế hoạch cụ thể, biên giới các loại tài liệu phổ biến, hướng dẫn cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung 2 văn kiện nêu trên.
Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đã tổ chức công bố Quyết định và trao tặng các phần thưởng của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào.
Đức Tuân