Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cùng dự cuộc làm việc tại tỉnh Tuyên Quang có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản; Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc; Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm; Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai dài hơn 40 km, trong đó đoạn qua tỉnh Phú Thọ dài hơn 11 km, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài hơn 28 km. Dự án do UBND tỉnh Tuyên Quang làm chủ quản đầu tư giai đoạn 1.
Tháng 9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với lãnh đạo địa phương về dự án này.
Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, về công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Phú Thọ đã bàn giao được 11,3/11,3 km, đạt 100%; xây dựng 3/3 khu tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, nước, viễn thông), đạt 100% khối lượng.
Tỉnh Tuyên Quang đã bàn giao mặt bằng được 28,6/28,93 km, đạt 99%; xây dựng hoàn thành 24/24 khu tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, viễn thông...) đạt 90% khối lượng; phấn đấu hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 2/2023.
Dự án chia thành 4 gói thầu xây lắp phần đường, 1 gói thầu xây lắp cầu trên tuyến và 3 gói thầu các hạng mục khác (điện chiếu sáng, nút giao IC9 với cao tốc Nội Bài-Lào Cai và hệ thống an toàn giao thông), trong đó 1 gói thầu (hệ thống an toàn giao thông) đang tổ chức đấu thầu.
Các gói thầu xây lắp đã triển khai thi công từ đầu tháng 8/2021 theo hướng vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng. Khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay đạt 1.070/1.829,57 tỷ đồng, đạt 58,48% giá trị hợp đồng.
Tại tỉnh Phú Thọ, Thủ tướng và đoàn công tác đã kiểm tra tình hình triển khai dự án, chúc Tết cán bộ, công nhân viên tham gia dự án tại công trường; kiểm tra khu tái định cư và chúc Tết bà con nhân dân khu tái định cư.
Sau đó, Thủ tướng di chuyển dọc theo Quốc lộ 2 lên Tuyên Quang, kiểm tra tình hình triển khai thi công và chúc Tết cán bộ, công nhân viên tham gia dự án trên công trường thuộc địa bàn tỉnh này.
Đi dọc tuyến đường đang thi công qua những cung đường hiểm trở, còn ngổn ngang, lầy lội bùn đất, Thủ tướng biểu dương các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công nhân đã làm việc với tinh thần "xuyên Tết".
Thăm người dân tại khu tái định cư, Thủ tướng cảm ơn bà con đã nhường nơi ở hàng trăm năm cho dự án, vui mừng khi thấy bà con chia sẻ cuộc sống ở nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ và luôn ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước. Thủ tướng mong bà con động viên những hộ dân chưa di dời sớm bàn giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ cho dự án rất quan trọng này.
Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương luôn quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân trong diện di dời, đảm bảo hạ tầng y tế, giáo dục, hạ tầng điện nước, giao thông thuận lợi. Thủ tướng chúc bà con đón Xuân mới mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc với các cơ quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Hà Nội-Lào Cai và trong tương lai kết nối lên Hà Giang, có ý nghĩa rất quan trọng. Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang đều là những tỉnh còn nhiều khó khăn. Việc đầu tư tuyến đường sẽ giúp rút ngắn quãng đường nối 2 tỉnh từ 70 km xuống còn khoảng 40 km, đồng thời mở ra không gian phát triển mới.
Biểu dương 2 tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công việc, Thủ tướng nêu rõ, việc kiểm tra, đôn đốc dự án này còn nhằm rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai các dự án cao tốc, các dự án hạ tầng giao thông khác. Tinh thần là quy hoạch tổng thể, dài hạn nhưng đầu tư có thể phân kỳ, song đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, không đầu tư manh mún, dàn trải, tránh kéo dài, đội vốn, kém hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng về thủ tục, ngân sách, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và sau khi đã thống nhất thì quyết tâm làm bằng được.
Theo dự kiến trước đây, dự án được triển khai theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đang triển khai với quy mô 2 làn đường, hoàn thành vào quý III/2023. Còn giai đoạn 2 triển khai sau năm 2025, nâng lên 4 làn xe.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nếu chỉ đầu tư 2 làn xe thì hiệu quả không cao, không đáp ứng yêu cầu phát triển. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan và tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ phối hợp, thực hiện các quy trình, thủ tục nhanh nhất có thể để trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng đầu tư ngay để hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe, đồng bộ, hiện đại, vận tốc tối đa 120 km/h, không đợi tới sau năm 2025.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Tuyên Quang cam kết phối hợp chặt chẽ với tỉnh Phú Thọ, các bộ, ngành lập đề xuất chủ trương đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai giải phóng mặt bằng và thi công hoàn thành dự án giai đoạn 2 trong năm 2025.
Các địa phương đề nghị bố trí thêm từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương cho cả 2 giai đoạn của dự án. Trên cơ sở ý kiến đồng thuận của các bộ ngành, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bổ sung một phần vốn Trung ương cho giai đoạn 2. Hai tỉnh cân đối phần còn lại từ ngân sách địa phương. Thủ tướng cũng đồng ý ngân sách Trung ương hỗ trợ thêm cho giai đoạn 1.
Thủ tướng yêu cầu giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 phải xong trong tháng 2/2023, hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 12/2023.
Thủ tướng lưu ý, cần nghiên cứu xây dựng tuyến đường kết nối giữa cao tốc Nội Bài-Lào Cai và cao tốc Phú Thọ-Tuyên Quang, các nút giao một cách đồng bộ, tránh hình thành các nút thắt cổ chai.
Trong đó, đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ đang xây dựng và cao tốc Nội Bài-Lào Cai đều có 4 làn, nhưng đường kết nối giữa hai tuyến này (trùng với đường Hồ Chí Minh – dài khoảng 2 km) hiện chỉ có 2 làn, phải nghiên cứu đầu tư mở rộng.
Đồng thời, trạm thu phí tại nút giao giữa tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai vào thị xã Phú Thọ cũng đang là một nút thắt cổ chai cần giải quyết, Bộ GTVT sớm có ý kiến để tỉnh Phú Thọ triển khai.
Thủ tướng đề nghị các đơn vị cần tranh thủ thời tiết đang thuận lợi để thi công "3 ca 4 kíp"; việc thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính kỹ thuật, mỹ thuật và môi trường, không đội vốn phi lý, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân và an toàn cho người dân, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Về vấn đề nguyên vật liệu cho dự án, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo 2 nghị quyết, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tinh thần là cấp trực tiếp mỏ cho chủ đầu tư hoặc nhà thầu, không thông qua khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng tài nguyên là của đất nước nhưng nhiều mỏ đất… lại giao tư nhân quản lý và họ lợi dụng để nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
Thủ tướng nhấn mạnh cần hết sức quan tâm, chăm lo công tác tái định cư, tinh thần là cuộc sống của người dân ít nhất phải bằng nơi ở cũ và phấn đấu nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước; đồng thời khai thác tốt nhất không gian phát triển mới do dự án mang lại. Các cơ quan, lực lượng phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn, an dân.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, các bên phối hợp chặt chẽ, giải quyết vấn đề phát sinh, trong đó có việc kiểm tra, bảo đảm nguyên vật liệu cho dự án.
Từ thực tế dự án, Thủ tướng yêu cầu với các dự án cao tốc nói chung, Bộ GTVT và các địa phương cần rút kinh nghiệm, tránh tình trạng "chia nhỏ" các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực.
Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu, tính toán để xây dựng các đoạn của tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang trên tinh thần làm đoạn nào dứt điểm đoạn đó, đồng bộ, hiện đại; thông tuyến lên tới Hà Giang chậm nhất năm 2030.
* Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng đã tới dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Tuyên Quang.
Chuyến công tác này một lần nữa cho thấy ưu tiên đặc biệt của Thủ tướng dành cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng – một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải.
Dự kiến những ngày tới, Thủ tướng sẽ tiếp tục các hành trình kiểm tra, đôn đốc các dự án hạ tầng giao thông trên khắp cả nước.
Trước đó, trong ngày 1/1 - ngày đầu tiên của năm mới 2023, tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.
Và cách đây 1 năm, ngay trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủ tướng đã dành tới 3 ngày để thực hiên chuyến công tác "xuyên Việt, xuyên Tết" kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, trên cung đường bộ dài gần 1.600 km và nhiều chặng bay vào Nam ra Bắc.
Hà Văn