Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội thiếu khoảng 8.000 biên chế giáo viên; vừa qua, các cấp có thẩm quyền đã phân bổ thêm khoảng 2.000 chỉ tiêu biên chế cho Thành phố. Thành phố sẽ thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu được phân bổ bảo đảm số lượng và chất lượng; đồng thời quán triệt và chủ động triển khai nghiêm Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện, bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cũng cho biết Thành phố sẽ nghiên cứu triển khai cơ chế “đặt hàng” dịch vụ từ các cơ sở giáo dục để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặt hàng một cách công bằng, bình đẳng, cạnh tranh, minh bạch giữa công lập và ngoài công lập. Nhà nước sẽ “đặt hàng” các gói dịch vụ cơ bản; còn người dân ngoài các đối tượng được cung cấp các dịch vụ giáo dục theo quy định thì có thể đặt mua các gói cơ bản hoặc nâng cao. Đây là cơ sở để các trường có thể tiến tới tự chủ, trong đó có việc tự chủ về tuyển dụng giáo viên, giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.
Cùng với đó, Thành phố rà soát lại quỹ đất dành cho giáo dục; đặc biệt là ở các quận, huyện có tốc độ tăng dân số cơ học rất lớn, số học sinh tăng rất nhanh. Ông Thanh lấy ví dụ như phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai hiện có trên 75.000 người dân trên hồ sơ quản lý và thực tế cao hơn nhiều.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo bố trí việc dự lễ khai giảng tại một trường ngoài công lập để có thể tìm hiểu cụ thể về những khó khăn, thách thức và cả những mô hình, cách làm hay.
Trước đó, nhân dịp năm học mới, Thủ tướng đã tới thăm 3 ngôi trường công lập khác ở Lào Cai và Phú Thọ. Các chuyến thăm này nhằm khảo sát thực tế thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với lễ khai giảng trang trọng của Trường Đoàn Thị Điểm, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “tôn sư trọng đạo”, coi “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, truyền thống này càng được coi trọng và phát huy, với quan điểm xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Thủ tướng nhấn mạnh, nền giáo dục dân tộc với truyền thống tốt đẹp đó phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả với nền giáo dục hiện đại, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, để chúng ta vừa giữ vững độc lập, tự chủ, vừa tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; xây đựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, ngày càng hùng cường, thịnh vượng như Bác Hồ hằng mong muốn, lấy nội lực (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa – lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu luôn luôn đổi mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, bày tỏ tâm đắc với 3 đổi mới của Trường Đoàn Thị Điểm: Một là đổi mới dạy học ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập, dạy ngoại ngữ ngay từ nhỏ cho các em; hai là đổi mới hoạt động bán trú, đây là vấn đề rất quan trọng với cấp tiểu học, một mặt để bố mẹ các em yên tâm công tác, làm việc, mặt khác góp phần giúp việc giáo dục học sinh tại nhà trường không chỉ đơn thuần về mặt văn hóa; ba là đổi mới giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn như bơi lội, ứng phó động đất, cháy nổ, có ý thức tham gia giao thông, bảo vệ môi trường…
Thủ tướng cũng mong muốn nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung liên tục cập nhật, đào tạo, nâng cao trình độ, kiến thức giáo viên trong bối cảnh thế giới có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Ông lấy ví dụ, biến đổi khí hậu đang gây nhiều tác động trên toàn cầu và tại Việt Nam, cần giáo dục, tạo ý thức cho các em ngay từ nhỏ trong bảo vệ môi trường bằng những việc tưởng như nhỏ như bỏ rác đúng nơi quy định.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô giáo là động lực”; mọi hoạt động phải hướng tới học sinh, giáo dục toàn diện đức – trí – thể - mỹ cho học sinh; thầy cô giáo phải là động lực để chăm lo, tạo sự tin yêu, thực là tấm gương cho các em noi theo.
Thủ tướng đề nghị tổng kết các mô hình hay, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách để xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. Thủ tướng cho rằng đây là chủ trương đúng nhưng phải tổ chức thực hiện sao cho phù hợp với từng giai đoạn, từng địa phương, giúp các cơ sở giáo dục phát triển lành mạnh, bình đẳng, công bằng.
Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, các nhà trường; khắc phục bằng được tình trạng “thiếu giáo viên, thiếu lớp học, thiếu sách giáo khoa”, trong đó có việc cho học sinh mượn sách giáo khoa và giáo dục các em ý thức tiết kiệm, giữ gìn sách để sử dụng lâu dài…
Thủ tướng mong muốn đội ngũ lãnh đạo, giáo viên Trường Đoàn Thị Điểm giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống, tinh thần vượt khó, tiếp tục mở rộng “hệ sinh thái Trường Đoàn Thị Điểm” đủ sức cạnh tranh với các trường quốc tế. “Không có việc gì là không khó, nhưng cũng không có việc gì là không thể, như truyền thống của dân tộc ta là càng khó khăn càng thông minh, sáng tạo, cái khó ló cái khôn”, Thủ tướng chia sẻ.
Hà Văn