Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cùng dự cuộc tọa đàm có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.
Các diễn giả đã có nhiều nhận định, chia sẻ sâu sắc, chất lượng, cơ hội cũng như gợi mở những giải pháp, hướng đi mới để nâng tầm hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Lãnh đạo JETRO, tỉnh Hiroshima, các nghị sĩ Quốc hội và đại diện doanh nghiệp Nhật Bản tham dự tọa đàm đánh giá Việt Nam là nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực, đang phát triển nhanh với đội ngũ nhân lực dồi dào và có trình độ ngày càng được nâng cao, nhất là trong lĩnh vực phần mềm.
Đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương của Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư; Việt Nam trở thành cơ sở quan trọng nhất của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Theo khảo sát của JETRO, 60% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Trên cơ sở hai nước có nhiều điểm tương đồng, gần gũi về lịch sử - văn hóa, quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp, đại diện các doanh nghiệp trình bày các ý tưởng kinh doanh với cam kết thúc đẩy đầu tư trên các lĩnh vực sản xuất xe điện, công nghệ thông tin, logistics, bất động sản, ngân hàng, may mặc, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu…
Đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao cam kết và quyết tâm của Chính phủ về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, khẳng định sẽ tích cực đồng hành với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng; nêu các đề xuất, kiến nghị liên quan tới cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, cấp phép lao động, bảo đảm năng lượng…
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Hiroshima - thành phố biểu tượng của hòa bình và khát vọng phát triển đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh G7 và Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.
Ông nhắc lại ấn tượng khi tới thăm Công viên Tưởng niệm Hòa Bình, nơi tưởng niệm các nạn nhân đã thiệt mạng do bom nguyên tử trong chiến tranh thế giới thứ hai cũng như những ấn tượng về ý chí, nghị lực và sự đoàn kết, quyết tâm cao của người dân Nhật Bản và Hiroshima để đứng dậy từ sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam cũng là quốc gia trải qua nhiều năm chiến tranh, rất chia sẻ với những mất mát do chiến tranh, rất thấu hiểu giá trị của hòa bình. Về phần mình, Việt Nam đã nỗ lực đóng góp cho thành công của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.
Trải qua 50 năm vun đắp và xây dựng, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực: Chính trị, ngoại giao, kinh tế, giáo dục và đào tạo, an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, đi vào chiều sâu, thực chất. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương ngày càng mật thiết, là nền tảng quan trọng, vững chắc thúc đẩy mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước.
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng trên cơ sở chân thành, tình cảm, tin cậy, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực, trên thế giới và vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Nguồn vốn ODA của Nhật Bản góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, tạo động lực lan tỏa tích cực, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản thời gian qua tăng nhanh nhất trong số các cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, hiện đã đạt gần nửa triệu người, đứng thứ 2 trong số các cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản.
Về đầu tư, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 tiếp tục phát triển theo hướng cân bằng, đạt gần 50 tỷ USD và đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Chia sẻ về tình hình thế giới, Thủ tướng khái quát một số điểm: Lạm phát cao, tăng trưởng thấp; hậu quả COVID-9 còn kéo dài; khủng hoảng lương thực, năng lượng và một số mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn; biến đổi khí hậu diễn ra với tốc độ nhanh hơn.
Thủ tướng cho biết sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Chia sẻ về những vấn đề nền tảng, những định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, bảo vệ đất nước và đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Việt Nam cũng đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng nhu cầu nhân lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Xuyên suốt quá trình phát triển, Việt Nam lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thời gian qua, Việt Nam đã giải ngân 104.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 58 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động.
Trong quá trình phát triển, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, thấu hiểu các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân, nắm bắt tình hình thực tiễn để giải quyết các vấn đề đặt ra một cách kịp thời, hiệu quả.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam kiên trì mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; điều hành cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, tỉ giá và lãi suất, giữa cung và cầu, giữa bên trong và bên ngoài.
Theo Thủ tướng, thực tiễn nhiều năm vừa qua cho thấy nếu để lạm phát tăng cao thì sẽ mất rất nhiều thời gian và nguồn lực để kiểm soát. Hiện lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp, Việt Nam đang ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy cả 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Về các giải pháp cụ thể, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tiến hành miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; cơ cấu lại nhóm nợ, khoanh nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển đất nước; đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường để thúc đẩy xuất khẩu…
Đồng thời, Việt Nam nỗ lực giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện...; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh. Đây là những ngành, lĩnh vực mà Nhật Bản có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng.
Đồng thời, Thủ tướng mong muốn phía Nhật Bản, các nhà đầu tư tích cực hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trên cả 5 khía cạnh (thể chế, vốn, công nghệ, nhân lực, quản trị), đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, theo xu hướng xanh hóa, giảm phát thải.
Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian qua dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do COVID-19, nhưng vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, đồng hành với Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, thể hiện tình cảm và trách nhiệm với Việt Nam, quyết tâm vượt qua khó khăn để phát triển. Các nhà đầu tư Nhật Bản luôn có sự quyết tâm, nghiêm túc, uy tín, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, quan tâm, chăm lo đời sống người lao động và chú trọng bảo vệ môi trường.
Sắp tới, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Nhật tích cực tham gia cùng Việt Nam trong quá trình tổng kết 35 năm thu hút đầu tư FDI, đóng góp tích cực hơn nữa cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, đơm hoa kết trái, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Thủ tướng nhấn mạnh trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam./.
Hà Văn