Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, thống kê là ngành vất vả, xác lập vai trò quan trọng đối với đất nước. “Nói có sách, mách có chứng”, phải có số liệu thống kê để hoạch định chính sách, đường lối phát triển có cơ sở khoa học, như vậy chính sách mới đi vào cuộc sống. Đánh giá cao vai trò quan trọng đó của ngành thống kê, trong 4 năm qua kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 2 lần tới dự hội nghị tổng kết của Tổng cục Thống kê.
Khẳng định số liệu thống kê là khách quan, chặt chẽ, đúng pháp luật, Thủ tướng nêu rõ, “chưa bao giờ hay bất cứ đồng chí lãnh đạo nào yêu cầu Tổng cục Thống kê phải sửa số liệu này, số liệu khác trong quá trình thống kê kinh tế-xã hội đất nước” và cho biết “hằng tháng, sau ngày 25, tôi đều muốn nghe xem các đồng chí thống kê nói cái gì”.
Thành tựu phát triển đất nước trong năm 2019 có sự đóng góp của ngành thống kê, trong đó tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch, quy mô nền kinh tế đạt 262 tỷ USD, theo Thủ tướng, đây là số liệu tính theo giá cũ, chứ chưa hề tính bổ sung, chưa áp dụng phương pháp đánh giá lại quy mô. Trước kia, nhiều người hay nghĩ tăng trưởng chủ yếu do vốn tín dụng nhưng theo số liệu thống kê mới công bố thì tăng trưởng tín dụng năm 2019 hơn 13% trong khi đó tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 33-34% GDP. Đây là điều quan trọng khi sức dân được huy động. Nhiều công trình lớn, có ý nghĩa không chỉ từ vốn Nhà nước mà từ vốn tư nhân, doanh nghiệp. “Tôi có thể nói về chủ trương nhưng không có số liệu thống kê một cách đầy đủ thì chưa thuyết phục”, Thủ tướng chia sẻ và cho rằng, ngành thống kê đã thực hiện tốt nhiệm vụ đánh giá lại quy mô GDP, bảo đảm theo thông lệ quốc tế, có cơ sở khoa học. Đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như IMF, UNDP để tính toán, đưa ra số liệu chính xác, kịp thời. “Không phải vì bệnh thành tích mà chúng ta tính quy mô GDP mới”, Thủ tướng nói. Việc tính lại làm căn cứ để hoạch định Chiến lược 10 năm, Kế hoạch phát triển 5 năm tới.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi năm 2018, chỉ số chung về năng lực thống kê theo các tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới xếp hạng 19/145 quốc gia, vùng lãnh thổ (vượt mục tiêu của Chiến lược vào năm 2020 đạt 80 điểm; cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á).
Thủ tướng trao Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về định hướng năm 2020, năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh ngành thống kê cần làm tốt 2 nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, “tiếng nói báo động của các đồng chí rất quan trọng trong điều hành kế hoạch hằng năm, 1 quý và cả 5 năm”. Thứ hai là cung cấp đầy đủ thông tin kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng lấy ví dụ về việc thống kê số lợn chết, bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi để có quyết sách bù đắp sản lượng thịt, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và không để tăng CPI. Hay qua thống kê tình hình công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế - để có giải pháp chỉ đạo tốt hơn, sát hơn.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê, đặc biệt công tác phân tích, dự báo, “chúng tôi muốn ngày càng nhiều hơn các báo cáo chuyên đề thông tin, tư liệu tình hình quốc tế, trong nước, phục vụ kịp thời, hiệu quả hơn công tác chỉ đạo”.
Cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam và các đề án lớn của ngành, nhất là Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Tiếp tục tổng hợp, công bố việc điều chỉnh quy mô GDP năm 2018, 2019, 2020 và số liệu GDP các địa phương, xây dựng bộ số liệu đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhắc lại vai trò của số liệu thống kê, Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta không có hệ thống số liệu chính xác thì định hình chính sách sẽ sai. “Anh làm một bài toán không trung thực thì anh làm chính sách sẽ sai”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phải đổi mới hơn nữa phương pháp, chế độ thống kê theo tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam, trong đó tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung nghiên cứu phương pháp thống kê mới, hiện đại nhằm giảm thiểu “vùng trống thông tin”, nhất là những thông tin rất quan trọng như năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, các khu vực kinh tế chưa được quan sát, các chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tăng cường kết nối và khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính đặc biệt từ các ngành như thuế, hải quan, tài chính, ngân hàng, tiến tới kết nối, chia sẻ dữ liệu kinh tế-xã hội thông qua trục liên thông quốc tế, hệ thống thông tin quốc gia.
Thực hiện tốt các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực thống kê, trong đó hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN.
Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, đặc biệt cán bộ trẻ, cán bộ nữ có phẩm chất, năng lực tốt, trình độ chuyên môn cao, tạo nên tạo nền tảng nhân lực vững chắc để xây dựng ngành thống kê. Cần có một chương trình thu hút nhân tài cho ngành thống kê Việt Nam.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê tình hình kinh tế-xã hội đến các doanh nghiệp và nhân dân để làm sao các con số thống kê là “con số biết nói”, biến thành hành động.
Đức Tuân