Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng mẫu, trồng các giống lúa mới của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời tại An Giang. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hướng đi của doanh nghiệp là phát triển giống, sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, tập trung vào nghiên cứu khoa học các sản phẩm hữu cơ để giảm bớt thuốc trừ sâu và nhất là doanh nghiệp đã triển khai lực lượng “3 cùng” (lực lượng kỹ sư cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người nông dân). Lực lượng “3 cùng” có mặt trực tiếp trên những cánh đồng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu trong sản xuất của người nông dân và chuyển giao đến họ những tiến bộ, khoa học, kỹ thuật canh tác tiên tiến.
“Vấn đề lớn nhất với anh em cán bộ khoa học là các thành quả được bảo đảm thông qua bản quyền, sở hữu trí tuệ”, ông Huỳnh Văn Thòn kiến nghị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa luật, từ đó, doanh nghiệp có thể tích tụ ruộng đất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tập đoàn Lộc Trời, tiền thân là Công ty Bảo vệ thực vật An Giang là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo từ nghiên cứu, ứng dụng đến chuyển giao và phối hợp với nông dân sản xuất. Hiện Tập đoàn có trung tâm nghiên cứu thuộc công ty tư nhân lớn nhất, đồng thời có 1.300 kỹ sư nông nghiệp cùng ăn, cùng ở và cùng làm với 40.000 nông dân để sản xuất gạo hữu cơ, gạo sạch chất lượng cao. Hiện mỗi năm Tập đoàn sản xuất được 45.000 tấn lúa giống.
Hoan nghênh mô hình sản xuất, hướng đi của doanh nghiệp, nhất là của doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng cho rằng, đây là cách làm mới mà “chúng ta tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, nhân rộng”. Đó là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, giá trị cao.
Nhấn mạnh lúa gạo vẫn là sản phẩm chiến lược của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, nhưng nếu không có khoa học công nghệ thì Việt Nam khó có thể có những giống lúa có năng suất, chất lượng cao, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Và chỉ có doanh nghiệp mới có thể ứng dụng được khoa học công nghệ trong nông nghiệp cũng như chủ động được về giống lúa.
Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp về vấn đề hạn điền, Thủ tướng cho rằng, nếu tiếp tục tình trạng gần 14 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng manh mún nhỏ lẻ thì nông nghiệp không thể phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cũng nhất trí với kiến nghị của doanh nghiệp về việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo hộ các công trình nghiên cứu, trong đó có các nghiên cứu về giống lúa của Tập đoàn.
Bày tỏ vui mừng về việc Tập đoàn Lộc Trời tạo được giống lúa tốt, Thủ tướng mong muốn, các giống lúa mới đó không chỉ dừng ở thử nghiệm, mà phải áp dụng rộng rãi trên thực tiễn.
Đánh giá cao mô hình “3 cùng”, đặc biệt là tinh thần chuyển giao công nghệ cho người dân để người nông dân giàu có, trở thành ông chủ mới ở nông thôn, không phải lấy công làm lãi, Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn đẩy mạnh triển khai mô hình này.
Đức Tuân