Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Hội nghị, Lãnh đạo các nước EAS khẳng định cam kết tiếp tục củng cố và tăng cường vai trò của EAS với tư cách là diễn đàn của các Lãnh đạo đối thoại và hợp tác về các vấn đề chiến lược, chính trị, kinh tế cùng quan tâm và có lợi ích nhằm mục tiêu thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, phù hợp với những mục tiêu, nguyên tắc và thể thức cơ bản của EAS.
Các Lãnh đạo cũng đề cao những tiềm năng và thế mạnh to lớn của EAS với sự hội tụ của nhiều nền kinh tế lớn hàng đầu và phát triển năng động của thế giới, với quy mô hơn 1/2 tổng dân số và gần 2/3 tổng GDP toàn cầu. Kim ngạch thương mại hàng hóa giữa ASEAN và các Đối tác EAS đạt 1,7 nghìn tỷ USD, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các Đối tác EAS vào ASEAN đạt 124,6 tỷ USD năm 2023.
Nhận thức sâu sắc điều đó, các nước nhất trí phối hợp chặt chẽ thúc đẩy thực hiện hiệu quả Kế hoạch Hành động EAS giai đoạn 2024-2028 cũng như triển khai kết quả các Hội nghị Cấp cao EAS, ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực cùng quan tâm và có tính cấp thiết như ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, chuyển đổi năng lượng, chuỗi cung ứng tự cường, hợp tác biển, y tế, giáo dục-đào tạo, đồng thời khai thác các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
ASEAN và các Đối tác EAS cũng nhất trí cần phát huy hơn nữa vai trò và giá trị chiến lược của EAS, thích ứng hiệu quả hơn trước những biến chuyển nhanh chóng, với thách thức và cơ hội đan xen. Các nước khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đề cao luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của EAS trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng EAS phát huy hơn nữa vai trò và giá trị chiến lược là diễn đàn hàng đầu đối thoại về các vấn đề chiến lược ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và phát triển tại khu vực, nhằm thích ứng hiệu quả trước những biến chuyển của môi trường chiến lược khu vực và toàn cầu hiện nay, thúc đẩy kết nối chặt chẽ hơn, tự cường mạnh mẽ hơn.
Để EAS đáp ứng được kỳ vọng đó, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN và các Đối tác EAS cần nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin chiến lược, gia tăng điểm đồng, giảm thiểu bất đồng, tôn trọng khác biệt, hướng đến tương lai, hành xử xây dựng, có trách nhiệm, chung tay ứng phó các thách thức chung, cùng định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch, đề cao luật pháp quốc tế với ASEAN giữ vai trò trung tâm, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, tránh xung đột, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, mang lại ấm no hạnh phúc cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, đề nghị các Đối tác tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN bằng lời nói và hành động thực tế.
Đánh giá cao EAS với những tiềm năng và thế mạnh to lớn, Thủ tướng trông đợi EAS tiên phong thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, dành ưu tiên cho hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức cũng như các ngành, lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, điện toán đám mây, internet vạn vật, an ninh an toàn mạng...
Đồng thời, EAS cần tiên phong hành động để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, liên quan đến toàn dân như già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai,... đặc biệt trong bối cảnh các hiện tượng khí hậu cực đoan vừa qua như bão Yagi ở Đông Nam Á hay bão Helene và Milton ở Hoa Kỳ.
Trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực như Biển Đông, Trung Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên, xung đột tại Ukraine… các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực là điều kiện tiên quyết, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, phát triển tự cường, thịnh vượng và bền vững hiện nay. Các Đối tác khẳng định ủng hộ các nỗ lực, cách tiếp cận cân bằng, khách quan và lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề này.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm, nhấn mạnh cần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không và hàng hải trên Biển Đông, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hạn chế bất đồng, khai thác điểm đồng, thúc đẩy hợp tác, đối thoại chân thành, tin cậy, hiệu quả, dựa trên luật lệ, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, tạo môi trường thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc COC thực chất, hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Hà Văn