Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, chúc Tết Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chùa Khleng là địa điểm lịch sử, nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nhiều thời kỳ của tỉnh Sóc Trăng và đất nước.
Hòa thượng Tăng Nô, Trưởng ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Phó Hiệu trưởng Trường Bổ tuc văn hoá Pali Nam bộ cho biết Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer, sống đoàn kết, chan hòa với dân tộc Kinh, dân tộc Hoa; trong dó dân tộc Khmer chiếm hơn 30% dân số của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 130 cơ sở thờ tự thuộc Phật giáo Nam tông Khmer, trong đó có 92 chùa và 38 Salatel với 1.873 vị sư sãi đang tu học.
Đa số người Khmer đều theo Phật giáo Nam tông Khmer đời sống văn hóa, tinh thần luôn gắn bó với chùa chiền, mà cơ quan đại diện là Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, được thành lập năm 1963.
Trong những năm qua, Hội đã tích cực vận động, động viên tinh thần đồng bào, sư sãi trong việc phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hội còn thực hiện tốt công tác từ thiện xã hội, vận động đồng bào đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đoàn kết, đóng góp quỹ khuyến học, hiến đất xây trường học.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Báo cáo Thủ tướng, Hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ, cho biết, thành lập năm 1994, Trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đồng bào và sư sãi Khmer các tỉnh Nam bộ, giải quyết khó khăn trước đây là các sư sãi các tỉnh sau khi học xong các lớp Pali sơ cấp tại các chùa thì phải nghỉ học vì không có bậc học cao hơn.
Qua 22 năm hoạt động, Trường đã đào tạo được 1.225 học viên, trong đó tốt nghiệp trung học phổ thông trên 550 học viên.
Trong thời gian tại trường, học viên được đảm bảo mọi chính sách của trường dân tộc nội trú.
Trường có nhiệm vụ đặc thù, vừa tổ chức dạy chuyên môn văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, vừa giảng dạy chương trình trung cấp tiếng Pali ngữ văn Khmer trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thầy giáo, cô giáo, tăng sinh của TrườngBổ túc văn hoá Pali Nam bộ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chúc mừng tới các vị hòa thượng, thượng tọa, chư tăng phật tử Khmer; thầy giáo, cô giáo, tăng sinh của Trường.
Thủ tướng cho biết, trong năm qua, với sự nỗ lực của toàn đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm đời sống an sinh xã hội cho nhân dân. Thành tựu chung đó có đóng góp quan trọng của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.
Sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc nói chung và Sóc Trăng nói riêng, đã và đang có sự chung tay của sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer và toàn thể tín đồ Phật giáo tỉnh Sóc Trăng. Sự đóng góp đó được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng tin tưởng trong thời gian tới, Phật giáo Nam tông Khmer và toàn thể đồng bào dân tộc Khmer và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục hướng dẫn chư tăng, tín đồ phật tử trong tỉnh tu học, không ngừng trau dồi kiến thức phật học, thế học, đạo hạnh, trở thành những tín đồ phật tử mẫu mực, rèn luyện, hành đạo theo Hiến pháp và phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đồng thời thực hiện tốt chính sách, pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương, thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi của công dân, sống hài hòa, đoàn kết trong cộng đồng dân tộc để thực hiện tốt đời đẹp đạo.
Thủ tướng cũng mong rằng các chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer, đồng bào Khmer, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng lao động, sản xuất; xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, đoàn kết, gắn bó trong nội bộ và đoàn kết dân tộc trong cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước vì mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh.