Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty Pharmaq. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Pharmaq là công ty hàng đầu thế giới về sức khỏe cá và vaccine, chuyên hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong ngành nuôi trồng thủy sản. Pharmaq là một phần của Zoetis, tập đoàn hàng đầu thế giới về sức khỏe động vật.
Công ty đã có mặt tại Việt Nam hơn 10 năm, với văn phòng chính tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2018, công ty mở một phòng thí nghiệm chẩn đoán và nghiên cứu hiện đại tại Cần Thơ và một phòng thí nghiệm ướt để thử nghiệm lâm sàng đặt tại Hồng Ngự, Đồng Tháp.
Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Ông Morten Nordstad, Chủ tịch Pharmaq cho biết, tập đoàn có 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển, một ở Oslo và hai là ở Việt Nam. Mùa thu năm ngoái, vaccine thứ 2 của Pharmaq đã được Việt Nam cấp phép và hàng triệu con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được tiêm vaccine của tập đoàn. Ông cho biết, kế hoạch sắp tới của Pharmaq là sản xuất thêm nhiều vaccine cho cá tra, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho đội ngũ, kỹ thuật viên Việt Nam. Tập đoàn cũng dự định triển khai thêm phòng thí nghiệm chẩn đoán mới cho thủy sản của Việt Nam.
Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Đến trụ sở Pharmaq ở Oslo, Thủ tướng đã thăm phòng thí nghiệm sản xuất vaccine cho cá; nghe giới thiệu về việc tiêm vaccine cho cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Bày tỏ ấn tượng về kết quả hoạt động của công ty, Thủ tướng mong muốn công ty có thể nghiên cứu, mở rộng sản phẩm sang nhiều loại cá khác nhau. Việt Nam là nước có sản lượng thủy sản lớn nên, theo Thủ tướng, công ty nên có nhà máy sản xuất vaccine tại Việt Nam, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty dịch vụ ngoài biển Kongsberg Maritime. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Cùng ngày, Thủ tướng đã đến thăm Công ty dịch vụ ngoài biển Kongsberg Maritime. Đây là công ty hàng đầu về công nghệ biển, với 80% hoạt động kinh doanh đến từ các giải pháp liên quan đến đại dương.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng ngày 24/5, ông Geir Haoy, CEO của Kongsberg Group bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong thúc đẩy công nghệ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề cá, hợp tác kinh tế biển.
Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Ông Kongsberg Group bày tỏ: “Tôi thấy chúng ta có cơ hội rất lớn đến từ đại dương, nơi 95% năng lượng sinh khối được sinh ra và đóng góp vào năng lượng tái tạo trong tương lai”.
Cho rằng hiện “chúng ta mới sử dụng 2% sinh khối đến từ đại dương, do đó, đây là dư địa mà cả Việt Nam và Na Uy có thể khai thác”, ông Kongsberg Group tin tưởng Việt Nam – Na Uy có thể hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng, phát triển đại dương bền vững thông qua việc lập bản đồ đại dương, nghiên cứu đáy biển, giám sát đáy biển, phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản, nghề cá./.
Đức Tuân