Điệp khúc "nạo vét xong lại bị bồi lấp" đối với cảng Thuận An (Thừa Thiên - Huế) diễn ra hàng chục năm nay. Lần gần đây nhất, tháng 9/2010, Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành đầu tư nạo vét luồng chạy tàu cho cảng Thuận An, với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, vào tháng 7/2011, cảng thông báo đã có luồng chạy tàu rộng 60 m, sâu trên 3,5 m, đủ điều kiện cho tàu 1.000 tấn vào làm hàng. Thế nhưng chỉ hơn 2 tháng sau cơn bão số 4, số 5, số 6 tràn vào, luồng cảng lại bị xê dịch, nhiều đoạn bồi lấp trở lại, tàu lớn không dám vào.
Cảng Thuận An chỉ nằm cách thành phố Huế và các khu công nghiệp trên địa bàn khoảng 20 km; rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng đến các nhà máy và ngược lại. Từ khi còn là tỉnh Bình Trị Thiên (gồm Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), cảng Thuận An có nhiều tàu buôn chở hàng hóa cập bến. Hàng cập cảng được chủ buôn thuê chở lên Huế, ra Đông Hà, vào Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... Năm 2002, cảng Thuận An được Cục Hàng hải Việt Nam công bố cho tàu từ 5.000 đến 10.000 tấn đến neo đậu và làm hàng. Ở thời điểm đó, cảng luôn tấp nập tàu vào ra, lượng hàng thông qua cảng bình quân đạt 250 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, sự biến đổi bất thường của thời tiết, kèm theo sóng gió và triều cường gây nên tình trạng xói lở bờ biển trong các năm từ 2007 đến nay, ảnh hưởng rất lớn đến luồng chạy tàu cảng Thuận An, lượng hàng hóa thông qua cảng giảm còn 50 ngàn tấn/năm. Theo Quyết định 1955/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án "Phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020", cảng Thuận An được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư nâng cấp mở rộng thành cảng hàng hóa, trong đó định hướng mở rộng cảng Thuận An đạt công suất 1,5 triệu tấn/năm vào năm 2020, đủ năng lực đón tàu 5.000 DWT…
Theo ông Ngô Văn Tuân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế: Tháng 9/2011, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Quyết định 1760 phê duyệt dự án đầu tư hơn 550 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, thời gian thực hiện 3 năm... để xây dựng công trình "Xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển Hải Dương và chỉnh trị luồng Cảng Thuận An" (hợp phần 2), với mục tiêu chống xâm thực và sạt lở bờ biển Hải Dương, Thuận An; ổn định cửa biển Thuận An, phục vụ cho tàu 2.000 tấn vào cảng và duy trì sự bền vững môi trường đầm phá Tam Giang. Công trình bao gồm các hạng mục kè chắn cát bờ phía Nam Thuận An, bờ phía Bắc Thuận An, kè bờ biển Hải Dương và các loại đê ngầm, đê chắn sóng. Khi dự án hoàn thành, cảng Thuận An sẽ cải thiện được tình trạng bồi lấp như hiện nay.
Quốc Việt