Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao kiểm tra việc chi trả tiền bồi thường tại xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, ngày 25/10. Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên - Huế |
Theo Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ, tổng mức bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển được phê duyệt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế gần 750 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí tạm cấp 400 tỷ đồng, các địa phương vùng bị ảnh hưởng (gồm 28 xã, thị trấn thuộc các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà) niêm yết công khai danh sách các đối tượng được bồi thường và chi trả tiền bồi thường đối với 7 nhóm đối tượng đã được phê duyệt. Sau đó, việc chi trả được tiến hành.
Tại huyện Phú Lộc, sau khi hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường (đợt 1) cho người dân ở 3 xã Lộc Điền, Vinh Giang, Vinh Hưng (ngày 21/10), ngày 25/10, huyện tiếp tục chi trả tiền bồi thường cho người dân xã Lộc Bình và Vinh Hải. Trong đó, xã Vinh Hải chi trả hơn 4,1 tỷ đồng tiền bồi thường cho 182 đối tượng bị ảnh hưởng; xã Lộc Bình chi trả gần 4,3 tỷ đồng cho 209 đối tượng.
Việc chi trả tiền bồi thường tại các xã, thị trấn còn lại của huyện Phú Lộc sẽ được thực hiện đến hết ngày 29/10.
Tại huyện Phú Vang, việc chi trả đợt 1 thực hiện ở xã Phú Diên và Phú Hải. Trong đó xã Phú Diên, chi trả bồi thường cho gần 800 người dân với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng.
Tại huyện Quảng Điền, 666 người dân xã Quảng Công (1 trong 2 xã vùng biển bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển) nhận gần 14 tỷ đồng tiền bồi thường.
Các xã vùng biển của huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà bắt đầu thực hiện chi trả tiền bồi thường vào cuối tuần này.
Trong dịp này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đến từng điểm chi trả tiền để vừa giám sát, vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như trao đổi, trực tiếp định hướng việc tổ chức sản xuất, khôi phục sinh kế cho bà con.
Tại nơi chi trả tiền ở xã Lộc Bình và Vinh Hải (huyện Phú Lộc), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao lưu ý những ngày tiếp theo, UBND tỉnh phối hợp với các ban ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, giám sát việc chi trả tiền cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Cao cũng cho biết sau khi nhận tiền, người dân cần sử dụng số tiền cho sản xuất, không nên sử dụng số tiền này vào sinh hoạt hằng ngày. Muốn vậy, các cấp, ngành cần vận động bà con sử dụng tiền đền bù để mua sắm nông lưới cụ mới, đánh bắt hải sản tầng nổi...
Về lâu dài, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực tập trung giải quyết việc làm cho người dân, đồng thời phối hợp với các nhà máy, các khu công nghiệp trên địa bàn giải quyết nhu cầu lao động cho người dân.
(nguồn: Cổng TTĐT Thừa Thiên - Huế)