Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đầu tư cơ sở vật chất
Trong hệ thống chăm sóc sức khỏe công lập, trạm y tế xã là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau. Nhiệm vụ của trạm y tế xã là thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện sớm và phòng chống dịch bệnh... Chính vì vậy, vai trò của trạm y tế xã là vô cùng lớn.
Bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia và từ nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế, hệ thống trạm y tế xã toàn tỉnh đã được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo ngày càng khang trang. Đến nay, 100% trạm y tế đã được tầng hóa; đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại (xây dựng mới 72 trạm y tế, trang cấp trang thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, xét nghiệm, điện tim,.. cho 104 trạm y tế...). Ngoài ra, các trạm y tế xã còn được đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, nối mạng ADSL để thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành các lĩnh vực hoạt động y tế cũng như giao ban qua mạng, giúp các trạm y tế tiếp thu kịp thời các ý kiến chỉ đạo của cấp trên, cập nhật dữ liệu đầy đủ trong công tác khám chữa bệnh và tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại cũng như theo dõi bệnh nhân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến tháng 11/2011 này, có 137/152 xã, phường, thị trấn đạt “chuẩn quốc gia về y tế xã” (đạt 90,13%) và 102/152 trạm y tế đạt “Xã tiên tiến y học cổ truyền” (đạt 67,1%). Đây là một bước tiến mới trong công tác tập trung đầu tư cho tuyến y tế cơ sở. Điều này cũng đã góp phần giúp cho các trạm y tế xã đáp ứng được nhiệm vụ vụ được giao, trong đó, hàng năm, đảm nhiệm khoảng 75-80% dịch vụ khám chữa bệnh, đồng thời thực hiện những nhiệm vụ khác như tiêm chủng mở rộng, phòng chống các bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm, khám bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 6 tuổi...
Tăng cường, đào tạo nguồn nhân lực
Xác định rõ vị trí, chức năng của trạm y tế xã là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau... nên vai trò của trạm y tế xã là vô cùng lớn, trong đó nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt nhất.
Sau khi rà soát, đánh giá lại đội ngũ, nhiều trạm y tế, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh không có đội ngũ bác sỹ nên rất khó khăn trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Để nhanh chóng khắc phục tình trạng nêu trên, ngành Y tế Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng tham mưu cho tỉnh phương án đào tạo bác sỹ, dược sỹ theo địa chỉ nhằm bổ sung đủ nguồn nhân lực này (hàng năm đào tạo trên dưới 40 bác sỹ, dược sỹ theo địa chỉ và cử tuyển) và thực hiện phương án tăng cường bác sĩ phủ kín cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn toàn tỉnh. Vì vậy, hiện nay, 100% trạm y tế toàn tỉnh đều có bác sỹ, đến cuối năm 2011, các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới sẽ có bác sĩ tại trạm y tế là người địa phương. Bổ sung biên chế cán bộ y học cổ truyền (YHCT) cho các trạm y tế (100% trạm y tế xã, phường đã có y sỹ YHCT). Điều đáng ghi nhận, tỷ lệ bệnh nhân đến trạm y tế khám chữa bệnh hàng năm bằng y học cổ truyền đạt trên 20%. Bên cạnh đó, ngành y tế còn tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên khoa I cho bác sỹ ở trạm y tế, đào tạo sau đại học, đào tạo cán bộ quản lý, chính trị, tin học, ngoại ngữ, y tế thôn bản, đào tạo đội ngũ sử dụng, bảo trì trang thiết bị y tế hiện đại để sử dụng lâu dài và khai thác tối đa công suất sử dụng trang thiết bị...
Trò chuyện với chúng tôi, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện A Lưới cho biết: “Nếu không có phương án đào tạo bác sỹ, dược sỹ theo địa chỉ của tỉnh cũng như phương án tăng cường bác sỹ cho cơ sở, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thì A Lưới rất khó khăn. Trước thời điểm tăng cường (năm 2005) số bác sĩ phục vụ tại trạm y tế chỉ có 6 người, chiếm tỷ lệ 28,57% (6/21 trạm y tế), cơ sở vật chất nghèo nàn, xuống cấp... nên rất khó khăn trong công tác khám chữa bệnh, nhất là gây quá tải cho tuyến trên. Nay bác sĩ đã được phủ kín bác sĩ ở các xã, thị trấn. Đặc biệt, là có được đội ngũ bác sỹ người địa phương vừa được đào tạo xong; các trạm y tế đã tầng hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh đảm bảo. Qua đó, đã giúp cho hệ thống y tế tuyến cơ sở của A Lưới thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao”.
Đánh giá về chất lượng hoạt động của hệ thống các trạm y tế xã hiện nay, PGS.TS Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho hay: “Nhờ làm tốt công tác chuẩn hóa các trạm y tế xã mà kết quả chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày một tốt hơn. chất lượng chẩn đoán và điều trị người bệnh được nâng cao, bệnh nhân được điều trị đúng bệnh, đúng thuốc, không còn tình trạng chuyển tuyến khi chưa được điều trị, triển khai tốt các kỹ thuật xử trí và cấp cứu thông thường tại trạm y tế, triển khai đồng bộ công tác khám chữa bệnh bằng phương pháp YHCT tại tuyến xã; công tác giám sát dịch bệnh ngày càng chặt chẽ… Nhờ vậy, đã tạo được sự tín nhiệm và thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các trạm y tế”.