Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, qua 20 năm triển khai kể từ giai đoạn đầu công cuộc tin học hóa đến nay, địa phương đã đạt nhiều kết quả khích lệ và tổng kết được nhiều kinh nghiệm quý trong chuyển đổi số. Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, đến nay, Thừa Thiên Huế hoàn thành 100% chỉ tiêu giai đoạn 2019-2020 và trên 70% các chỉ tiêu phát triển chính quyền điện tử giai đoạn 2021-2025.
Hàng loạt các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh năm 2021, Thừa Thiên Huế đều nằm trong nhóm đầu của cả nước như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp vị trí số 1 toàn quốc; Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ICT xếp thứ 2 toàn quốc; Chỉ số chuyển đổi số DTI xếp thứ 2 toàn quốc; Chỉ số cải cách hành chính PAR Index xếp thứ 4 toàn quốc. Trong các trụ cột chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2021 (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) thì tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ nhất cả nước về hoạt động chính quyền số.
"Để có kết quả này, chúng tôi đã kế thừa chặt chẽ, triệt để những kết quả tích lũy của quá trình xây dựng chính quyền điện tử, từ đó tổ chức tái cấu trúc phát triển 5 nền tảng chính, gồm làm việc số, báo cáo số, bản đồ số, phòng họp số và khảo sát thu thập dữ liệu số. Cơ sở 5 nền tảng này bám sát các chỉ tiêu chuyển đối số của quốc gia. Đây là những công cụ giúp cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp có thể đóng góp dữ liệu vào hệ thống chính quyền số điện tử", ông Nguyễn Xuân Sơn cho hay.
Về xã hội số, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn mô hình phù hợp, đó là dịch vụ thông minh và nền tảng Hue S, với sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp, người dân. Nền tảng Hue S đến nay thu hút 10 tập đoàn, doanh nghiệp tham gia tích hợp hơn 15 dịch vụ số, 800 nghìn lượt tải ứng dụng, bình quân mỗi người sử dụng 35 phút/ngày và từ năm 2017 đến nay đã có trên 17 triệu lượt truy cập. Hue S đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, do đó thu hút số lượng rất lớn người dân tham gia. Đây cũng là niềm tự hào của tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.
Về kinh tế số, bước đầu tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng các nền tảng giúp cho doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình có thể tiếp cận theo một cách đơn giản nhất và phù hợp với tiềm lực của địa phương. Theo đó, có 4 nền tảng cơ bản mà Thừa Thiên Huế đang triển khai, gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; tích hợp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho cho hay: "Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định Hue S là nền tảng đặc thù thúc đẩy chuyển đối số của tỉnh trong trong thời gian tới. Để người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước dễ sử dụng, chúng tôi đã xây dựng kiến trúc chuyển đổi số, sắp xếp giao diện Hue S một cách tối ưu nhất, gồm: Khối truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng công dân số; khối các dịch vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số; khối xã hội số; khối chính quyền số và khối cá thể hóa người dùng. Đây sẽ bộ khung giúp cho hoạt động chuyển đổi số thống nhất, bền vững".
Trong đó sẽ gói gọn lại những dịch vụ cơ bản, thiết yếu phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế các dịch vụ liên kết rườm rà, gây khó. Đơn cử khi chọn lĩnh vực du lịch thì toàn bộ giao diện Hue S sẽ chuyển đối hẳn sang giao diện dành khách du lịch bảo đảm cung cấp những thông tin cần thiết riêng về dịch vụ du lịch, dễ tiếp cận, dễ khai thác thông tin. Khi chọn khối doanh nghiệp thì Hue S sẽ chuyển sang giao diện dành cho doanh nghiệp với các dịch vụ dành cho doanh nghiệp…
Qua theo dõi công tác chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng tỉnh đã kiến tạo nên mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh điển hình, lấy người dân làm trung tâm chuyển đổi số.
Kết quả chuyển đổi số mà mà Thừa Thiên Huế đạt được là nhờ 5 điểm: Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh từ nhiều năm nay về chuyển đổi số; thực hiện nguyên tắc bắt buộc trước, tự nguyện sau, đây là cách tiếp cận mang tính toàn dân trong công tác chuyển đổi số cần nhân rộng; triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số một cách đồng bộ và xuyên suốt 3 cấp tỉnh – huyện –xã; triển khai một nền tảng do chính quyền quản lý (Hue S) tích hợp nhiều ứng dụng, nhiều đối tác; xây dựng được một Sở Thông tin và Truyền thông mạnh quản lý nền tảng tích hợp thống nhất, các đối tác hiệu quả".
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kỳ vọng Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng công dân số, trong đó chú trọng các biện pháp như triển khai mô hình tổ công nghệ số cộng đồng, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến; mua sắm trực tuyến; sử dụng kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin ở mức cơ bản; sử dụng nền tảng số do các địa phương lựa chọn.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng chuyển đổi số là lĩnh vực rộng nhưng dưới sự thống nhất điều phối của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó ban hành chương trình hành động, tập trung xây dựng khung kiến trúc chuyển đổi số của tỉnh dựa trên kết quả làm được từ trước tới nay nhưng phù hợp với xu thế hiện nay.
"Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi liên tục, để xây dựng được một khung kiến trúc chuyển đổi số cho một địa phương thì không phải ngày một ngày hai làm được mà chắt lọc rất nhiều nội dụng, công nghệ. Tất nhiên trong khung kiến trúc mà chúng tôi xây dựng thì còn rất nhiều nội dung cần tiếp tục tham khảo ý kiến của các chuyên gia chuyển đổi số, doanh nghiệp số…nhằm bảo đảm đi đúng với xu thế chuyển đổi công nghệ số hiện nay", ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Thế Phong