Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sông Hương, sông Bồ trên báo động 3
Sáng 15/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện mưa trên địa bàn đã giảm. Mực nước các trạm trên các triền sông lúc 8h ngày 15/10 cụ thể như sau: Sông Hương tại Kim Long +4,0 m trên báo động III là 0,5 m; sông Bồ tại Phú Ốc +4,92 m, trên báo động III là 0,42 m.
Mực nước, lưu lượng các hồ chứa trên sông Hương 8h ngày 15/10: Hồ thủy điện Hương Điền +57,53 m, lưu lượng đến hồ 5.293 m3/s, lưu lượng xả về hạ du 4.180 m3/s (lưu lượng đến hồ lớn nhất 8.198 m3/s lúc 7h ngày 15/10).
Hồ Tả Trạch +43,88 m, lưu lượng đến hồ 2558 m3/s, lưu lượng về hạ du 2381 m3/s (lưu lượng đến hồ lớn nhất 7.205 m3/s lúc 2h ngày 15/10).
Hồ thủy điện Bình Điền 83,43 m, lưu lượng đến hồ 2.558 m3/s, lưu lượng về hạ du 1.291 m3/s (lưu lượng đến hồ lớn nhất 6.582 m3/s lúc 5h ngày 15/10).
Trước lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các chủ đập vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường xả nước để đưa nước về mực nước thấp đón lũ và góp phần giảm lũ cho vùng hạ du. Hiện các hồ thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành bảo đảm an toàn.
Đến 10h sáng 15/10, mưa lớn đã gây ngập 19.918 nhà, với độ sâu từ 0,3-0,8 m tùy từng vùng và khu vực. Có 1 nhà bị sập; 2 nhà dân ở Tổ dân phố Hải Vân, thị trấn Lăng Cô bị đất đá lùa vào, người nhà đã sơ tán.
Về giao thông đường sắt, Đoàn tàu SE7 đi từ Hà Nội vào dừng tại ga Huế do ảnh hưởng bởi mưa lũ; có 183 hành khách đang ở trên tàu hiện vẫn đảm bảo an toàn. Tuyến đường sắt đoạn qua thị trấn Lăng Cô bị đất đá vùi lấp và cuốn trôi tà vẹt khoảng 30 m, đã thông báo cung đường biết để dừng tàu.
Nước sông Hương dâng cao, gây ngập tại khu vực thành phố Huế
Tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Hải Vân sạt lở một số đoạn tại Km 901+500 với chiều dài khoảng 60 m, đất đá trôi xuống đường, phương tiện giao thông không qua lại được; phía nam hầm Hải bị sạt, các lực lượng chức năng đang tổ chức khắc phục, đến 09h ngày 15/10 đã thông một chiều.
Trên tuyến Quốc lộ 49B đoạn đoạn xã Lộc Bình bị đất đá vùi lấp đường, địa phương tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại khu vực đường bị ngập, đặt biển cảnh báo và barrie cảnh giới (cả 2 phía) đoạn ngập lụt, nghiêm cấm các phương tiện và người đi qua khu vực này.
Đường QL 49 bị sạt lở 3 điểm, hiện tại đã thông đường; đường Hồ Chí Minh nhiều đoạn qua xã Sơn Thuỷ-A Ngo bị đất đá và nước ngập qua đường, đã thông đường.
Trong đợt lũ hầu hết các tuyến đường tỉnh ngập sâu, ách tắc giao thông, ngành giao thông đã rào chắn hạn chế đi lại. Hệ thống đường ở các huyện, thị xã hầu hết cũng ngập úng, bị cô lập. Riêng tại TP. Huế có hơn 70% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập.
Cập nhật đến sáng 15/10, các địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế đã sơ tán 3.687 hộ dân với 10.322 nhân khẩu.
Lực lượng vũ trang xuyên đêm giúp dân trong mưa lũ
Trước tình hình phức tạp của mưa lũ, lực lượng vũ trang tỉnh đã triển khai nhiều phương án và tổ chức di dời nhân dân ở các địa phương đến nơi an toàn.
Để ứng phó với những diễn biến phức tạp của mưa lũ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai trực sẵn sàng 100% quân số, túc trực 24/24h, thường xuyên nắm chắc tình hình mưa lũ tại các địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị huy động hàng chục phương tiện tàu xuồng, ô tô, xe thiết giáp và hàng nghìn phao cứu sinh và các vật dụng phòng, chống lụt bão cần thiết để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố nắm chắc tình hình tại các địa bàn nhất là các địa phương thấp trũng, địa bàn vùng núi những nơi có khả năng xảy ra sạt lở đất để sẵn sàng di dời bà con đến nơi an toàn.
Tại địa bàn TP. Huế, nhiều khu vực bị ngập do mưa lũ, Ban Chỉ huy quân sự Thành phố đã kịp thời huy động lực lượng bộ đội thường trực, dân quân tự vệ di dời, sơ tán hơn 430 hộ với trên 1.500 khẩu đến nơi an toàn.
Thượng tá Lê Đức Hiệp, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự TP. Huế cho biết, UBND Thành phố đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương, đồng thời tăng cường thêm lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống trên địa bàn. Ban Chỉ huy quân sự Thành phố đã cử cán bộ về từng địa bàn để nắm tình hình, đồng thời chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự 36 phường, xã túc trực 24/24h, nắm tình hình mưa lũ tại địa phương để sẵn sàng hỗ trợ người dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Ngay trong đêm 15/10, sau khi nhận được thông tin có người dân bị mắc kẹt do nước lũ dâng nhanh, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc đã cử một tổ cứu hộ gồm 7 đồng chí, do đồng chí Trung tá Lê Đức, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện chỉ huy tiếp cận Thôn Thuỷ Yên Hạ, xã Lộc Thuỷ để di chuyển các hộ gia đình bị ngập sâu đến nơi tránh trú an toàn.
Trung tá Lê Đức thông tin," nước lũ lên rất nhanh, trời mưa to lại đêm tối nên việc tiếp cận các hộ dân rất khó khăn, chúng tôi phải di chuyển bộ để đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tiếp cận và nhanh chóng di chuyển hộ gia đình ông Ngô Văn Trà, đây là gia đình bị ngập sâu nhất, trong nhà có một cụ ông trên 80 tuổi, một phụ nữ và hai cháu nhỏ đến nơi tránh trú an toàn".
Tại địa bàn huyện Phong Điền, hiện nước lũ đang lên rất nhanh, có nơi nước ngập trên 1 m, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng cử cán bộ, nhân viên và lực lượng dân quân về các địa phương thấp trũng để di dời dân và cứu tài sản của dân.
Lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo lực lượng bộ đội thường trực, dân quân tự vệ tại các địa phương tiến hành nắm chắc tình hình địa bàn, tuyên truyền vận động và nhanh chóng di dời nhân dân ở các vùng thấp trũng đến nơi an toàn.
Cũng trong đêm qua, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động tối đa lực lượng triển khai ứng phó với mưa lũ, hỗ trợ sơ tán người dân; tổ chức chốt chặn, phân luồng giao thông trên các tuyến đường bị ngập.
Đại tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ đêm 14/10 đến sáng 15/10, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động hơn 115 lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, 2.620 lượt dân quân tự vệ các địa phương và hơn 40 lượt phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục, di dời nhân dân, chốt chặn các tuyến đường ngập lụt và hướng dẫn giúp đỡ nhân dân về nơi an toàn.
"Sáng 15/10, chúng tôi đã cử các đoàn công tác do các đồng chí chỉ huy cơ động về các địa phương để nắm tình hình và trực tiếp chỉ đạo công tác giúp dân. Chúng tôi cũng chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, TP. Huế sẵn sàng hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực cho người dân có ảnh hưởng bởi mưa lũ...", Đại tá Ngô Nam Cường cho biết thêm.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5, tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to, với tổng lượng mưa tích lũy trong ngày và đêm 15/10 phổ biến 120-250 mm, có nơi trên 300 mm; ngập lụt diện rộng.
Thế Phong