Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo cập nhật của Cơ quan khí tượng thủy văn, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bo số 4 năm 2024. Tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Hồi 04 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng 210km về phía Đông Bắc, cách Quảng Trị khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.
Dự báo trong 12 giờ tới (16h/19/9), vị trí tâm ở vào khoảng 17,2 N107,2E; trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm Cấp 8, giật cấp 10.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cho biết, để chủ động ứng phó với bão số 4 và mưa lũ, các địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức rà soát, lên phương án sơn tán người dân với 16.349 hộ dân/52.186 nhân khẩu.
Tính đến chiều 18/9, công tác kêu gọi các lao động, tàu thuyền hoạt động trên biển đã hoàn tất. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát thông tin, thông báo cho các phương tiện tàu thuyền nắm diễn biến tình hình của bão số 4.
Toàn tỉnh có tổng số 1.884 phương tiện với 10.685 lao động đến nay các phương tiện, lao động đã vào bờ và tránh trú bão an toàn. Ngoài ra, hiện ở các điểm tránh trú có 23 phương tiện với 194 lao động ngoại tỉnh vào neo đậu.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành công điện yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế khẩn trương chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến của mưa bão để chủ động triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai ảnh hưởng đến địa bàn quản lý. Rà soát các kịch bản ứng phó thiên tai, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh đánh bắt, nuôi thủy sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ quét, ngập lụt; có phương án gia cố các cây xanh có nguy cơ gãy đổ trên địa bàn; kiểm tra khắc phục tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ hàng hải, Chi cục Thuỷ sản, Đài Thông tin duyên hải Huế tăng cường thời lượng thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão, gió mạnh trên biển. Tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình xây dựng, thủy lợi, giao thông kiểm tra công tác đảm bảo an toàn máy móc, thiết bị, vật tư, phương tiện; tổ chức neo đậu phương tiện, xà lan tránh va trôi; gia cố, cố định hệ thống cần cẩu đề phòng gió mạnh, sóng lớn bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động; bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công, khơi thông dòng chảy phòng tránh ngập úng cục bộ.
Nhật Anh