Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ về phục hồi và phát triển KTXH, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
UBND tỉnh thành lập 4 Tổ công tác do đồng chí Chủ tịch, các Phó Chủ tịch làm tổ trưởng để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra, giám sát, điều phối, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe kiến nghị, đề xuất; triển khai các chính sách hỗ trợ đến cộng đồng doanh nghiệp.
Trong 2 năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020, 2021 đều tăng trưởng dương, lần lượt đạt 2,22% và 4,36% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đề ra (năm 2020 đạt 9.124 tỷ đồng, tăng 8,3%; năm 2021 đạt 11.337 tỷ đồng, tăng 24%, cao nhất từ trước tới nay).
Năng lực y tế toàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Đến nay tỉ lệ tiêm chủng cho người từ 12 tuổi trở lên ít nhất 1 mũi cơ bản hoàn thành đạt 100%; 2 mũi đạt 97,5%, đẩy nhanh tiêm chủng mũi 3 theo quy định. Ngoài ra, Bệnh viện Trung ương Huế đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và điều trị COVID-19 để chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân nhiễm nặng, các đơn vị y tế tuyến cơ sở được quan tâm đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị y tế theo hướng hiện đại.
Về công tác an sinh xã hội, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tính đến ngày 17/2, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 138.962 người với tổng kinh phí 81,4 tỷ đồng...
Địa phương cũng triển khai kịp thời chương trình giải quyết việc làm, kết nối cung - cầu lao động, thực hiện biện pháp "vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế", đã có 9.140 lao động tìm kiếm việc làm, tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm, đã thu hút 191 lượt doanh nghiệp và 1.780 lượt lao động tham gia.
Bà Trần Thị Hoài Trâm cho hay, thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra một số giải pháp trọng tâm nhằm phục hồi và phát triển KTXH trong thời gian tới.
Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm lãi suất (2%/năm) cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng đã được áp dụng chính sách của Trung ương về hỗ trợ 2% lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi. Định mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/doanh nghiệp/năm (mỗi doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ lãi suất cho 1 hợp đồng vay).
Đồng thời, bổ sung thêm kinh phí cho Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để cho vay giải quyết việc làm, cho vay đầu tư trang thiết bị phục hồi sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ chi phí mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiền thuê đất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư. Tích cực hỗ trợ các Nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục về đất đai đối với các dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư. Chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn sàng kêu gọi đầu tư dự án, tập trung các dự án hạ tầng khu công nghiệp, logistics.
Phát huy vai trò người đứng đầu địa phương trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và chịu trách nhiệm cá nhân trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Triển khai các chính sách để kích cầu du lịch như miễn, giảm giá vé tham quan các điểm di tích lịch sử văn hóa Huế năm 2022 và năm 2023. Chuẩn bị các điều kiện an toàn, hiệu quả đón khách du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế với thông điệp "Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện"; đón khách du lịch quốc tế sử dụng "hộ chiếu vaccine" theo nguyên tắc "an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn" và tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống COVID-19 theo quy định.
Thế Phong