Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tháng 5 và tháng 6, các chỉ số thương mại nội địa, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã có sự hồi phục. |
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương hôm 2/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sốt ruột khi một số địa phương trong cả nước có tăng trưởng âm trong nửa đầu năm. Ví cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như "cỗ xe tam mã", gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, Thủ tướng yêu cầu phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.
“Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải tự hỏi vì sao giải ngân chậm, khâu nào, do cái gì để làm cho được”, Thủ tướng đã nói như vậy và nhấn mạnh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chủ trương 1, nhưng các Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch phải có biện pháp 10 để chủ trương đi vào cuộc sống một cách “quyết liệt, cụ thể”. Thủ tướng khẳng định, lần này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ.
Quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các bộ ngành, địa phương. Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, dù còn nhiều khó khăn, song tới tháng 5 và tháng 6, các chỉ số thương mại nội địa, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã có sự hồi phục và Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ ngành có giải pháp đồng bộ để kích cầu thị trường trong nước, phát triển nội nhu, thúc đẩy xuất khẩu.
Trên một lĩnh vực sản xuất quan trọng khác, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, “ngành nông nghiệp xác định phương châm khó khăn nhiều thì phải quyết tâm nhiều hơn, Bộ và các địa phương sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu của năm nay".
Từ phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế; các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch 23/1 cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại.
“Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong tường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm”, Thống đốc nhấn mạnh.
Nắm từng khó khăn, tháo từng vướng mắc
Ngay sau Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã về các địa phương nhằm nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, trong thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, qua đó có giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại điểm làm việc đầu tiên là Quảng Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, chuyến công tác lần này là nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Đó là trong tình hình kinh tế khó khăn, cần nắm sát tình hình thực tế của từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, từng doanh nghiệp, từng địa phương, biết khó khăn ở đâu, ách tắc chỗ nào, điểm nghẽn ra sao, từ đó có giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện ở mức cao nhất có thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của địa phương và của cả nước.
Không chỉ là những vấn đề trong ngắn hạn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chuyến công tác cũng là cơ hội để cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội cho Đảng, Nhà nước cùng với các địa phương nhìn nhận, đánh giá lại những điểm mạnh, yếu của kinh tế - xã hội địa phương, vừa giải quyết các vấn đề trước mắt, nhưng đồng thời cũng là để chuẩn bị cho tương lai phát triển sau này.
Các địa phương cũng đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong tình hình mới. Tại Hà Nội, phát biểu khai mạc kỳ họp của HĐND TP sáng 6/7, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã yêu cầu cần sớm khắc phục 8 thiếu sót và để nghị các quận, huyện khai thác triệt để các nguồn lực với phương châm “góp gió thành bão” để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, phấn đấu GRDP tăng gấp 1,3 lần so với cả nước và hoàn thành nhiệm vụ thu 285.000 tỷ đồng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, dù kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng cuối năm có một số điểm sáng.
Báo Đầu tư dẫn lời ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết, ngoại trừ vận tải hành khách bằng hàng không và du lịch (do chưa mở cửa thị trường với khách quốc tế), thì với việc kiểm soát tốt COVID-19 và duy trì tốc độ tăng trưởng của một số ngành dịch vụ trong 6 tháng đầu năm, một số ngành kinh tế được dự báo có thể khôi phục năng lực sản xuất về trạng thái bình thường và có tốc tộ tăng trưởng tốt như nông, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; y tế; thông tin, truyền thông; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...
Ông Hùng cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng quý III và quý IV sẽ theo quy luật quý sau cao hơn quý trước và cao hơn nhiều so với quý II. Và dù các định chế tài chính quốc tế đưa ra các dự báo khác nhau, nhưng nhìn chung đều nhận định rất tích cực và lạc quan, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc trở lại sau khi dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội (kể từ ngày 23/4/2020).
Ông Hùng nhắc tới các động lực của nền kinh tế như đầu tư công trong 6 tháng đầu năm mới giải ngân được 1/3 nguồn vốn; dư nợ tín dụng mới tăng 2,45%, trong khi mục tiêu là tăng 12-14%; khi chấm dứt giãn cách xã hội, khu vực dịch vụ (đóng góp trên 40% GDP), đặc biệt là lĩnh vực du lịch nội địa sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện gần đây cũng cho thấy, có 80,6% số doanh nghiệp nhận định sản xuất, kinh doanh quý III/2020 tốt lên và giữ ổn định. Trong khi đó, theo kết quả điều tra lần trước, chỉ có 59,2% doanh nghiệp có thái độ lạc quan đó. Điều này cho thấy dấu hiệu chuyển biến tích cực khi doanh nghiệp đã có niềm tin hơn trong 3 tháng tới.
Hà Chính