Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Để đối phó với vấn đề ô nhiễm trắng, các giải pháp đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt
Ngày 26/2, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố khởi động Chương trình đổi mới sáng tạo về nhựa năm 2025.
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) Lê Ngọc Tuấn, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn thải ra biển. Tuy nhiên, chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Để đối phó với vấn đề ô nhiễm trắng, các giải pháp đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, việc xây dựng, tìm kiếm và áp dụng những giải pháp này sẽ cần có lộ trình rõ ràng. Do đó, thông qua Chương trình Đổi mới sáng tạo về nhựa, ông Tuấn mong muốn chương trình sẽ lan toả, tiếp cận được tới các nhà nghiên cứu, khoa học trẻ để tìm ra những giải pháp đột phá cho tương lai.
Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho hay khảo sát của UNDP cho thấy, mới chỉ có khoảng 1/3 các giải pháp sáng tạo có khả năng áp dụng và nhân rộng quy mô tại Việt Nam. Trong khi đó, phần lớn các sáng kiến khác vẫn còn rời rạc và hạn chế, chỉ mới được phát triển tại cơ sở thí điểm. Thực tế này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải cải thiện việc thúc đẩy các sáng kiến có ý nghĩa và sáng tạo để giải quyết ô nhiễm nhựa với sự đầu tư và thúc đẩy từ nhiều bên liên quan ở cả cấp quốc gia và địa phương.
"UNDP Việt Nam chính thức phát động Chương trình đổi mới sáng tạo về nhựa, một sáng kiến được thiết kế để thử nghiệm và thúc đẩy các giải pháp tiên tiến nhằm giảm thiểu phát sinh rác thải nhựa, khuyến khích các giải pháp thay thế bền vững và thúc đẩy các hoạt động kinh tế tuần hoàn để chống ô nhiễm nhựa", bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Theo bà Ramla Khalidi, Chương trình hướng tới 3 mục tiêu.
Thứ nhất, tìm các giải pháp sáng tạo trong mảng nhựa. Dựa trên những nỗ lực đổi mới trước đây, Chương trình sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao nhận thức, củng cố hệ sinh thái đổi mới của Việt Nam, qua đó tạo điều kiện cho việc nhân rộng sáng kiến và giải quyết ô nhiễm nhựa một cách hiệu quả.
Thứ hai, thông qua các sáng kiến, UNDP Việt Nam hướng tới mục tiêu kiểm soát toàn bộ vòng đời của nhựa thông qua tìm kiếm, sử dụng các vật liệu thay thế, ứng dụng thiết kế sinh thái và vận hành các mô hình kinh doanh mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, quản lý chất thải và thúc đẩy cơ chế tái chế, cơ chế tài chính cho nỗ lực này. Để làm được điều này, cần có cách tiếp cận toàn diện, lồng ghép nhiều giải pháp hiệu quả.
Thứ ba, chương trình sẽ hỗ trợ hoàn thiện chính sách để tạo điều kiện cho những đổi mới đó và mở rộng quy mô các giải pháp hiệu quả.
Trong khuôn khổ Chương trình đổi mới sáng tạo về nhựa năm 2025, UNDP và đối tác sẽ hỗ trợ nguồn vốn cho các sáng kiến bền vững và thân thiện với môi trường nhằm giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Khoản tài trợ 30.000 USD sẽ được trao cho 6 dự án thắng cuộc. Chương trình đặc biệt ưu tiên đối tượng tham gia là các nhóm phụ nữ, thanh niên, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, các tổ chức học thuật hoặc giáo dục/nghiên cứu của chính phủ và phi chính phủ (cả quốc gia và quốc tế), các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh việc mở rộng các sáng kiến thành công, chương trình sẽ tập trung xây dựng các mô hình kinh doanh sáng tạo trong thu gom và tái chế rác thải, tư vấn kỹ thuật về các phương pháp tốt nhất giúp bảo vệ môi trường cũng như khai thác công nghệ mới nhất để cải thiện việc thu gom và tái chế, nhằm giảm thiểu rò rỉ nhựa ra môi trường.
Chương trình đổi mới sáng tạo về nhựa có 4 nhóm tiêu chí chính:
Tiêu chí về tính mới, tính sáng tạo.
Tiêu chí liên quan đến tác động môi trường và xã hội. Trong đó, các sáng kiến này cần có tác động về giảm thải vấn đề về ô nhiễm nhựa. Các sáng kiến cũng cần mang đến cơ hội việc làm xanh, tác động và lợi ích cho cộng đồng.
Tiêu chí đảm bảo bền vững về mặt kinh tế.
Tiêu chí về năng lực của đội đề xuất. Trong đó, nhóm đề xuất giải pháp cần đảm bảo những yếu tố như yếu tố về giới và tính bao trùm.
Chương trình đặc biệt ưu tiên đối tượng tham gia là các nhóm phụ nữ, thanh niên, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, các tổ chức học thuật hoặc giáo dục/nghiên cứu của chính phủ và phi chính phủ (cả quốc gia và quốc tế), các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thu Cúc