Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị, Giám đốc điều hành Hội đồng doanh nghiệp (DN) EU tại ASEAN (EUABC) Cris Humphrey cho biết: Đây là lần thứ 8 EUABC tham gia Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN.
"Chúng tôi đại diện lợi ích DN EU, một mặt mong muốn hàng hóa thông quan nhanh, tạo thuận lợi thương mại, một mặt chúng tôi cũng sẵn sàng giúp hải quan nâng cao hiệu quả hoạt động, tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng DN cũng như trong các vấn đề khác như đấu tranh chống thương mại bất hợp pháp. Do đó, chúng tôi có một số ý tưởng hợp tác với Hải quan ASEAN", ông Cris Humphrey nói.
Theo đại diện Hội đồng DN EU tại ASEAN (EUABC), sáng kiến về tuân thủ được thông tin giúp DN các bên hiểu biết tốt hơn về những thủ tục mà DN phải thực hiện để tuân thủ các yêu cầu của cơ quan hải quan, trong đó có hải quan Việt Nam. DN hiểu biết tốt hơn về các thủ tục, như các biểu mẫu, tờ khai, từ đó sẽ giúp việc thông quan được nhanh chóng hơn.
Một lĩnh vực khác là hàng hóa trị giá thấp và hàng hóa thương mại điện tử. Đã có sự tăng trưởng của thương mại điện tử sau đại dịch COVID-19 trong khu vực, với sự gia tăng các lô hàng trị giá thấp và ASEAN lại là khu vực có nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.
Xuất phát từ nhu cầu thông quan nhanh chóng và bảo đảm kiểm soát được hàng hóa trị giá thấp, DN thương mại điện tử cần tăng cường hợp tác với cơ quan hải quan để hiểu biết hơn về nhu cầu của nhau, giúp thông quan nhanh loại hàng hóa này ở khắp khu vực Đông Nam Á.
Lĩnh vực cuối cùng nhưng rất quan trọng, đó là tăng cường hợp tác chống thương mại bất hợp pháp. Đây cũng là một vấn đề rất nghiêm trọng trong khu vực. Thương mại bất hợp pháp gây thất thu ngân sách cho chính quyền.
Đối với người tiêu dùng, đó là mối lo ngại về sự an toàn của các sản phẩm bất hợp pháp. Đối với DN, đó là sự tổn hại đến uy tín của DN nếu các sản phẩm hàng giả, hàng nhái được bày bán trên thị trường. Đây là lĩnh vực mà hải quan và DN cần tăng cường hợp tác, không chỉ trong đào tạo xây dựng năng lực, mà còn chia sẻ thông tin.
Từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU được triển khai thực hiện vài năm trước, chúng ta nhận thấy có sự tăng lên đáng kể trong thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU. Đây là một tín hiệu rất đáng khích lệ. Việt Nam xác định vị trí của mình là một quốc gia thương mại, và hiện là một trong những quốc gia thương mại hàng đầu thế giới.
Điều này là do Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định tự do thương mại (FTA) như CPTPP, RCEP và các FTA với các đối tác song phương. Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài, như xây dựng nhà máy sản xuất, trung tâm dịch vụ, xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đề nghị, trong giai đoạn tới ngoài mục tiêu hiện đại hóa hải quan, các bên cần tập trung thực hiện các sáng kiến về Hải quan xanh và tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin tình báo để công tác kiểm soát ngày càng được thực hiện hiệu quả hơn không những trong nội khối ASEAN mà và còn với các nước đối tác. Cùng với Hải quan ASEAN, Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai có hiệu quả các sáng kiến, các cam kết nhằm hiện thực hóa mục tiêu chung của ASEAN. Theo đó, kế hoạch xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh trong giai đoạn tới đang được Hải quan Việt Nam quyết tâm thực hiện.
"Mô hình quản lý hải quan hiện đại áp dụng công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, chuỗi khối không chỉ là mục tiêu của Hải quan Việt Nam mà còn là của Hải quan các nước ASEAN", Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh.
Không chỉ thương mại, mà lĩnh vực đầu tư cũng có sự tăng trưởng kể từ khi FTA Việt Nam-EU có hiệu lực. Việt Nam trở thành một trung tâm thương mại không chỉ ở châu Á mà trên thế giới, dựa trên những FTA như đã nói, lực lượng lao động trẻ năng động, cũng như vị trí địa lý thuận lợi.
"Ngoài ra, hiện nay các DN trên thế giới đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch COVID-19, chiến tranh… Việt Nam đang xác định vị trí của mình rất tốt trong sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng đó", ông Cris Humphrey nói.
Ông Hyeon-seok, Trưởng Phòng Điều tra Chống buôn lậu (Hải quan Hàn Quốc) cho biết: Cơ quan Hải quan của Việt Nam và Hàn Quốc có thể xem xét thực hiện một số nhiệm vụ nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn sau của Chiến dịch Con rồng Mê Kông.
Cụ thể, cơ quan hải quan hai nước có thể thường xuyên tổ chức các cuộc họp trao đổi thông tin giữa các đơn vị liên quan để chia sẻ xu hướng và phương thức thủ đoạn buôn lậu ma tuý mới nhất. Hai nước cũng có thể chia sẻ, cập nhật kết quả kiểm soát và dữ liệu các vụ bắt giữ liên quan đến ma tuý nhằm tạo cơ hội học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Ông Hyeon-seok nhận định: Cơ quan Hải quan hai nước có thể hợp tác để tăng cường triển khai các chiến dịch thực thi chung, bao gồm chia sẻ thông tin kịp thời trên các tuyến vận chuyển trái phép ma tuý chủ yếu và tiến hành các hoạt động kiểm soát ở cả hai quốc gia. Ví dụ, Hải quan Hàn Quốc có thể nhận các thông tin trước về mặt hàng nghi vấn trên chuyến bay hoặc chuyến tàu xuất phát từ Việt Nam để thực hiện kiểm soát hiệu quả hơn.
Các chuyên gia phân tích thông tin của hai nước có thể cùng tiến hành đánh giá rủi ro liên quan đến vấn đề vận chuyển trái phép ma tuý.
Bố trí cán bộ liên lạc đến Việt Nam để tăng cường thu thập và phân tích thông tin 24/7. Bao gồm thu thập thông tin tình báo về các hoạt động liên quan đến ma tuý trên địa bàn và phối hợp kiểm tra các kiện hàng có nghi vấn tới Hàn Quốc. Việt Nam cũng có thể triển khai cán bộ liên lạc tới Hàn Quốc để tạo điều kiện trong trao đổi thông tin và hợp tác hiệu quả hơn.
"Cơ quan Hải quan hai nước có thể cùng xây dựng, tổ chức các chương trình đào tạo cho cán bộ kiểm soát của cơ quan thực thi hai cơ quan hải quan để chia kỹ thuật phương pháp kiểm soát tiên tiến nhất. Các chương trình đào tạo này giúp nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ Hải quan hai quốc gia và tối đa hoá sức mạnh hợp tác quốc tế", Trưởng Phòng Điều tra Chống buôn lậu (Hải quan Hàn Quốc) nói.
Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 là sự kiện thường niên và quan trọng nhất trong cơ chế hợp tác Hải quan ASEAN, diễn ra từ ngày 4 đến 6/6, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Trên cương vị Chủ tịch Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33, Hải quan Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy, giữ vai trò kết nối các nước thành viên để tiếp tục triển khai và hoàn thành các sáng kiến hợp tác quan trọng trong ASEAN vì mục tiêu xây dựng một Cộng đồng gắn kết, thể hiện vai trò, vị thế quan trọng của ASEAN đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Anh Minh