• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ: Kinh nghiệm ‘chân kiềng’ ở TPHCM

(Chinhphu.vn) - Xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu tạo ra cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp phát triển, trong đó có các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Tuy nhiên, để tham gia được vào chuỗi là cả một quá trình đòi hỏi nhiều nỗ lực thay đổi.

30/11/2020 16:24

Nâng tầm nhờ chương trình SCORE

Các chuyên gia SCORE hỗ trợ DN thúc đẩy cải tiến cơ sở sản xuất. Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo đánh giá từ các chuyên gia, hiện nay, nhiều DN CNHT TPHCM nói riêng và khu vực phía nam nói chung cơ bản đã có nền tảng sản xuất. Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM, thực tế tại các buổi kết nối hay các hội nghị tìm kiếm các nhà cung ứng CNHT tại khu vực phía nam thời gian gần đây, phần lớn những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà DN FDI tìm kiếm là linh kiện cơ khí chính xác, linh kiện điện tử, khuôn đúc chế tạo, phụ tùng ô tô, xe máy và sản phẩm nhựa… Đây là những sản phẩm DN trong nước có nhiều ưu thế và kinh nghiệm tham gia cung ứng nên việc kết nối khá thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều thói quen trong cách sản xuất truyền thống lâu nay lại chính là những trở ngại cản bước DN. Cụ thể, nhiều DN sản xuất không theo quy củ, dư thừa, lãng phí nguyên vật liệu; hàng hóa lỗi nhiều; không giao hàng đúng tiến độ... Cùng với đó là các vấn đề về môi trường làm việc, cách sắp xếp các công cụ, dụng cụ, máy móc thiếu khoa học.

Để hỗ trợ các DN CNHT trong nước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thời gian qua, nhiều chương trình tập huấn, đào tạo, tư vấn đã được tổ chức, tiêu biểu như Dự án Phát triển DN bền vững (SCORE) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI-HCM) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp triển khai.

Tại Việt Nam, Dự án đã đào tạo, tư vấn cho hơn 230 DN vừa và nhỏ, tập trung vào cải tiến hoạt động của DN cả ngắn hạn và lâu dài, bền vững, đặc biệt tạo nền tảng cho DN tận dụng được nguồn lực của chính mình, nâng cao được năng lực cạnh tranh.

Cụ thể, DN được các chuyên gia tư vấn về phương pháp, kỹ năng, cũng như lên kế hoạch sản xuất theo chuẩn 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) và cải tiến liên tục (kaizen) từ quá trình sản xuất đến phân phối sản phẩm.

Chuyên gia Lê Minh Quang, giảng viên chính khóa đào tạo SCORE, cho biết, việc thực hiện 5S-kaizen giúp DN cải thiện từ quan hệ lao động đến môi trường làm việc, thay đổi cơ bản văn hóa sản xuất trong DN theo hướng kỷ luật và chuyên nghiệp hơn, từ đó phát hiện và triệt tiêu lãng phí, kiểm soát các đầu mối, công đoạn công việc để năng suất và chất lượng lao động. Thực tế, sau khi tham gia 5S-kaizen, nhiều doanh nghiệp Việt đã tiết kiệm được thời gian, chi phí bởi mỗi công đoạn làm việc đều chi tiết, rõ ràng, hạn chế trùng lắp nên đã từng bước nâng cao được năng lực sản xuất, giảm tỉ lệ hàng lỗi, hàng tồn… và bước đầu đã cung cấp được các đơn hàng cho nhiều thương hiệu lớn như Unilever, Hultech, Panasonic, Toyota...

Ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc điều hành Công ty CP Kỹ thuật Ý tưởng, DN thực hiện SCORE và hiện là đối tác của nhiều DN Nhật Bản, cho biết: “Một trong những tiêu chí cơ bản khi DN FDI đến thăm nhà xưởng sản xuất trước khi ký hợp đồng hợp tác là xem xét DN có thực hiện 5S-kaizen hay không. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để DN FDI đánh giá khả năng sản xuất chất lượng ổn định lâu dài”.

Còn ông Nguyễn An Khang, Phó Giám đốc Công ty TNHH khuôn chính xác Duy Tân, chia sẻ, Công ty có đội ngũ công nhân lành nghề, chuyên môn tốt, được đào tại bài bản nhưng cũng tham gia thực hiện cải tiến 5S–kaizen. Hơn thế, làm việc với đối tác Samsung, Công ty còn được tư vấn thực hiện 5S-3D (chỉ đạo – thảo luận - ủy thác) tại các khu vực trong nhà máy; cải tiến lối đi, cải tiến quản lý kho; xây dựng sơ đồ tổ chức kiểm soát chất lượng (QC), tối ưu hóa nguồn lực, đào tạo nhân viên QC.

Ông Khang cho biết, nhờ thế, Công ty như được “nâng tầm” hướng tới làm những sản phẩm kỹ thuật cao, cắt giảm lãng phí để có giá thành tốt, đủ tự tin sẵn sàng tham gia chuỗi của Samsung cũng như mở rộng kết nối với các doanh nghiệp FDI lớn.

Nỗ lực của chính doanh nghiệp

Ký kết thỏa thuận liên kết vùng giữa Khu CNC TPHCM với các KCN các tỉnh phía Nam để phát triển CNHT. Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo chuyên gia Yeonpyo Yu của Samsung, việc duy trì hoạt động sau cải tiến 5S-3D cũng như không ngừng cải tiến (kaizen) là một trong những vấn đề quan trọng nếu DN CNHT Việt muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế, các DN thường gặp khó khăn trong việc duy trì kết quả cải tiến bởi sau đợt cao điểm tập trung, một số DN không nghiêm túc duy trì nên dần trở về điểm xuất phát ban đầu. Chính vì vậy, DN phải đặt ra mục tiêu, tiến độ và giám sát việc triển khai thực hiện để duy trì kết quả đạt được một cách bền vững, dần trở thành văn hóa sản xuất của chính mình.

Cùng với đó, theo các chuyên gia, để nâng cao được giá trị sản phẩm, đáp ứng khả năng sản xuất quy mô lớn với chất lượng ổn định, bên cạnh việc liên tục cải tiến, sau khi tích lũy được một nguồn tài chính nhất định, DN cần mạnh dạn mở rộng đầu tư, đổi mới máy móc công nghệ theo hướng hiện đại.

Theo chia sẻ từ đại diện Samsung Việt Nam, tính đến nay, đã có 679 DN CNHT Việt Nam đang là nhà cung ứng cho Samsung, trong đó có 42 nhà cung ứng cấp 1, có 172 nhà cung ứng cấp 2 và 465 DN sản xuất và cung ứng linh kiện gián tiếp cho Samsung (cấp 3 và 4). Đáng chú ý, nhiều DN CNHT Việt Nam, nhờ mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ theo tư vấn của các chuyên gia Samsung, đã từ DN cung ứng cấp 3,4 chuyển lên cấp 1, 2. 

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM, cho biết, hiện tại, đa phần các DN CNHT chỉ đáp ứng được vị trí nhà cung ứng cấp 3 hoặc cấp 4. Muốn tham gia sâu hơn, trở thành các nhà cung ứng cấp 1, 2 để thu được nhiều giá trị hơn, các DN phải mở rộng đầu tư máy móc hiện đại, sản xuất lớn.

Bên cạnh đó, các DN nhỏ và vừa có thể liên kết chặt chẽ lại với nhau để đáp ứng các đơn hàng lớn từ các đối tác bởi, theo chia sẻ từ nhiều DN FDI, việc duy trì chất lượng sản phẩm với số lượng lớn, giao hàng đúng hạn và giá thành cạnh tranh là vấn đề cốt lõi để 2 bên có thể hợp tác bền lâu, trong khi hiện nay, các DN Việt đa phần còn hạn chế về năng lực cung ứng.

Nhằm thúc đẩy sự liên kết này, cuối tháng 10/2020, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã phối hợp với Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM tổ chức ký kết thỏa thuận liên kết vùng về phát triển CNHT giữa Khu Công nghệ cao TPHCM với các Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế tại vùng Đông Nam Bộ.

Theo bà Lê Bích Loan, Phó Ban Quản lý SHTP, việc hợp tác nhằm hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp CNHT có tính liên kết mạnh; phát huy các nguồn lực và tiềm năng của doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy năng lực sản xuất kinh doanh, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT của các tập đoàn nước ngoài đang đầu tư tại vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Và “chân kiềng” chính sách

Tăng cường các hoạt động kết nối giữa các DN CNHT trong nước với các  DN FDI lớn. Ảnh: VGP/Lê Anh

Là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, nơi tập trung nhiều DN CNHT, trong những năm qua, bên cạnh thực hiện những chính sách hỗ trợ từ Trung ương, TPHCM đã linh hoạt ban hành chính sách riêng hỗ trợ phát triển CNHT.

Tiêu biểu là Nghị quyết 16/2018/NQ-HĐND của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TPHCM giai đoạn 2018-2020. Đến nay, có 24 dự án đầu tư của các DN công nghiệp hỗ trợ được UBND TPHCM phê duyệt tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, trong đó vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 1.000 tỷ đồng. Mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tối đa 7 năm. Hiện TPHCM đang nghiên cứu, tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ cho giai đoạn 2021-2025 cho phát triển CNHT.

Ông Châu Bá Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, cho biết, nhờ tham gia chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố với mức hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi lên đến 7 năm, Công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để sản xuất các sản phẩm linh kiện nhựa, chi tiết cơ khí và khuôn mẫu ứng dụng công nghệ cao. Hiện Công ty đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu cho Samsung. Trung bình mỗi năm, Công ty cung ứng tối thiểu 20 triệu linh kiện cho đối tác Hàn Quốc.

Tương tự, Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh là DN cơ khí lớn của TPHCM, chuyên cung cấp các sản phẩm khuôn mẫu chính xác cho các đối tác Nhật Bản và châu Âu trong nhiều năm. Bà Trương Vân Tiên, Giám đốc Công ty, cho biết, nhờ được tham gia gói kích cầu đầu tư của TPHCM, hiện công ty đang triển khai đầu tư nhà máy chế tạo máy và khuôn mẫu chính xác với vốn đầu tư khoảng 120 tỷ đồng tại Khu Công nghệ cao TPHCM nhằm đón đầu cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

Ở tầm vĩ mô, mới đây, để hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NĐ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, trong đó tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo, ưu tiên khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng;

Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.

Lê Anh