Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia, thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand từ ngày 05-11/3/2024.
Nhân dịp này, Báo Điện tử Chính phủ có cuộc phỏng vấn GS. Nghiêm Đức Long, Chủ tịch Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường nước thuộc Trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS) về hợp tác khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia cũng như việc phát huy hơn nữa nguồn lực trí thức người Việt ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước.
Thưa Giáo sư, Giáo sư đánh giá thế nào về nền KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện nay cũng như hợp tác giữa Việt Nam – Australia trong lĩnh vực này?
GS. Nghiêm Đức Long: Là một nhà khoa học, tôi rất vui khi chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), chỉ số đổi mới sáng tạo Việt Nam cao, là đầu kéo cho phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam được nhắc đến là một quốc gia tiến bộ vượt bậc về đổi mới sáng tạo, xếp vị trí 46/132 quốc gia, tăng 30 vị trí kể từ năm 2013. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam cao hơn cả một số quốc gia có thu nhập trung bình cao và cả thu nhập cao. Thế giới cũng nhất quán nhận định năng lực đổi mới sáng tạo là một nhân tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong những năm vừa qua.
Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Australia tập trung vào 3 lĩnh vực là thế mạnh và được cả hai quốc gia cùng quan tâm, đó là: Thương mại đầu tư, an ninh và đổi mới sáng tạo, chuyển giao kỹ thuật. Chính phủ hai nước đã đưa ra tuyên bố chung, nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo và chia sẻ kiến thức kỹ thuật là tiền đề của phát triển kinh tế bền vững và an ninh quốc gia. Việt Nam đánh giá cao năng lực nghiên cứu của Australia. Mặc dù thương mại song phương giữa hai nước còn khiêm tốn, Australia đứng thứ 5 về hợp tác nghiên cứu với Việt Nam. Việt Nam và Australia đã thiết lập Sáng kiến Hợp tác Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo chung, với sự đồng tài trợ từ Việt Nam và Australia.
Hai nước cùng tổ chức các chương trình tài trợ mang tính cạnh tranh để thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học và tổ chức nghiên cứu của Australia và Việt Nam nhằm thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu đem lại lợi ích chung cho hai bên cũng như thúc đẩy sự đa dạng, hòa nhập và bình đẳng trong lĩnh vực này.
Điển hình là chương trình Đối tác về đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (Aus4Innovation), để thúc đẩy áp dụng đổi mới sáng tạo vào sản xuất và đời sống tại Việt Nam, bao gồm sẵn sàng nắm bắt các cơ hội do Công nghiệp 4.0 mang lại.
Chương trình Aus4Innovation đã tài trợ 12 dự án tại Việt Nam, mang lại hiệu quả thiết thực cho những lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, thực phẩm, y tế, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường.
Tới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm chính thức Australia, mở ra những triển vọng hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam – Australia trong nhiều lĩnh vực, trong đó có KHCN và đổi mới sáng tạo. Giáo sư kỳ vọng điều gì từ chuyến thăm quan trọng này?
GS. Nghiêm Đức Long: Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Australia có nhiều thăng trầm. Bắt đầu từ thời kỳ đổi mới của Việt Nam đầu những năm 90s, quan hệ hai nước đã có tiến bộ rõ rệt.
Có nhiều kỳ vọng từ chuyến thăm chính thức tại Australia tới đây. Tôi tin tưởng rằng đàm phán giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anthony Albanese sẽ tháo gỡ nhiều rào cản, cho phép các nhà khoa học hai nước được tự do hợp tác trên mọi lĩnh vực khoa học, kể cả những ngành và lĩnh vực kỹ thuật có tính đặc thù và nhạy cảm.
Chuyến thăm Australia của Thủ tướng cũng sẽ là động lực để trí thức, chuyên gia người Việt Nam hướng về quê nhà. Tình thân giữa hai quốc gia sẽ tạo điều kiện cho các trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở Australia có cơ hội tham gia các dự án chuyển giao công nghệ đóng góp cho cả hai quốc gia.
Theo Giáo sư, những kinh nghiệm nào trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo của Autralia mà Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng? Hai nước có thể chia sẻ, hỗ trợ nhau như nào trong thời gian tới?
GS. Nghiêm Đức Long: Australia có nền giáo dục tiên tiến, cơ sở trang thiết bị nghiên cứu khoa học hiện đại và nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới. Australia hiện đứng thứ 24 trên bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo của WIPO, hơn Việt Nam 22 vị trí. Sẽ có nhiều cơ hội để hai nước chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo. Australia có các cơ chế hiệu quả để tận dụng nguồn nhân lực để phát triển KHCN. Cách thức tiếp cận KHCN của Australia rất có hệ thống. Các nghiên cứu khoa học thường rất thiết thực có thể áp dụng vào đời sống với hiệu quả cao. Kinh nghiệm chuyển giao vào áp dụng KHCN vào sản xuất và đời sống hàng ngày của Australia sẽ rất bổ ích cho Việt Nam.
Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tôi mong rằng Australia và Việt Nam sẽ có thêm nhiều chương trình hợp tác đặc biệt là các chương trình trao đổi học tập để các nhà khoa học và quản lý khoa học hai nước có thể học hỏi lẫn nhau. Nhưng hợp tác này cũng cần tập trung vào những lĩnh vực cả hai nước đều có nhu cầu hoặc có thế mạnh. Nền KHCN của Australia có thế mạnh về công nghệ nông nghiệp, môi trường, quản lý quỹ tài chính, khai khoáng…
Giáo sư có thể chia sẻ thêm về những đóng góp của cộng đồng trí thức, chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại Australia cho sự phát triển của đất nước thời gian qua?
GS. Nghiêm Đức Long: Là một quốc gia đa văn hóa, Chính phủ Australia luôn khuyến khích người dân giữ gìn bản sắc văn hóa riêng và tạo cơ hội cho những đóng góp tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Australia và quê hương mỗi người.
Australia có một cộng đồng người Việt lớn mạnh. Theo Tổng cục thống kê Australia, hiện có 335 nghìn người Úc gốc Việt, chiếm khoảng 1,3% dân số Australia. Trong số này, có nhiều chuyên gia khoa học.
Các chuyên gia và trí thức người Việt tại Australia đã và đang có nhiều đóng góp rất tích cực cho phát triển KHCN tại Việt Nam. Đặc biệt, Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (viết tắt là VASEA) đã đăng ký tại Australia và được cơ quan quản lý Australia cấp giấy phép hoạt động chính thức từ ngày 12/5/2023. VASEA là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập trên cơ sở hợp nhất các câu lạc bộ trí thức Việt Nam từ các tiểu bang và vùng lãnh thổ Australia. Các câu lạc bộ này được thành lập từ năm 2018, khi hai nước ký Tuyên bố chung về Thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.
Ngày 10/8/2023, VASEA đã làm lễ ra mắt chính thức tại thành phố Melbourne. Tại buổi lễ, VASEA đã nhận được sự ủng hộ và khích lệ của đại diện Chính phủ Australia và Việt Nam, các các cơ quan đối tác và cả các hiệp hội trí thức người Việt tại các nước khác như Nhật, Đức.... VASEA cũng đã nhận được hỗ trợ tài chính không ràng buộc từ các nhà tài trợ để có kinh phí hoạt động.
Sự ra đời của VASEA đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hòa nhập và phát triển của cộng đồng người Việt nói chung và cộng đồng trí thức, chuyên gia người Việt nói riêng ở Australia. Australia là một quốc gia đa văn hóa, đa chủng tộc. VASEA và cộng đồng người Việt tại Australia luôn có mong muốn được đóng góp cho cả Australia và quê hương Việt Nam.
Vậy Giáo sư có góp ý gì để Việt Nam có thể thu hút và phát huy hơn nữa nguồn lực trí thức người Việt ở nước ngoài, thưa Giáo sư?
GS. Nghiêm Đức Long: Nguồn lực trí thức người Việt ở nước ngoài là một tài nguyên quí báu của Việt Nam. Người Việt ở đâu cũng hướng về quê hương. Theo tôi, để thu hút sự quan tâm của trí thức người Việt ở nước ngoài đến quê hương Việt Nam không khó. Cái khó ở đây là việc tận dụng nguồn lực này.
Tiền đề quan trọng nhất là quan hệ ngoại giao cấp chính phủ giữa Việt Nam và nước sở tại. Các nhà khoa học người Việt ở Australia có khả năng và cơ hội đóng góp, giúp sức xây dựng nền KHCN mạnh cho Việt Nam cũng nhờ quan hệ hữu nghị thân thiện giữa hai nước.
Tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ cởi mở hơn để tạo điều kiện cho lực lượng trí thức người Việt ở nước ngoài đóng góp cho đất nước, qua các đề án giảng dạy trực tuyến, chương trình thỉnh giảng và hợp tác nghiên cứu ngắn hạn.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Hoàng Giang (thực hiện)