Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Trung Quốc và Việt Nam luôn xác định là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Thời gian qua, các bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương khu vực biên giới như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng tăng cường kết nối doanh nghiệp 2 nước nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu, trong đó có tiêu thụ nông sản, thực phẩm.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, đặc biệt thực hiện nghiêm việc đăng ký mã số xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu pháp luật, yêu cầu của đối tác, khách hàng.
Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng khu vực các cửa khẩu điều tiết lượng hàng nông sản sang biên giới, đảm bảo về tiến độ và chất lượng nông sản để không bị ùn tắc, giảm chi phí cho các doanh nghiệp.
Thông tin tại Diễn đàn, ông Vương Trịnh Quốc, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, từ ngày 8/1 đến nay, các hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã khôi phục bình thường. Trong vòng 1 tháng qua đã có hơn 6 nghìn lượt phương tiện xuất nhập hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chủ yếu là cửa khẩu Kim Thành, với các mặt hàng chủ yếu là hoa quả tươi, đậu xanh, lạc, sắn trong đó thanh long tươi chiếm 80%...
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đề xuất Bộ NN&TNT chuẩn hóa các quy trình sản xuất, đóng gói nông sản xuất khẩu; tăng sản lượng trái cây được cấp mã vùng trồng xuất khẩu và sớm thống nhất mẫu giấy kiểm dịch đối với sản phẩm tổ yến cũng như ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại nông sản của Việt Nam để giảm bớt thời gian, thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cho rằng, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác thương mại giữa 2 nước. Theo đó, xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu trên cơ sở đánh giá năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần nghiêm túc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn kiểm dịch chất lượng, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc và tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc; khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng: "Với thị trường Trung Quốc cần tăng cường tiếp cận vùng đối với các thị trường nhỏ như: Quảng Tây; Vân Nam vì mỗi địa phương của Trung Quốc đều có quy mô kinh tế rất lớn cùng thói quen tiêu dùng và những yêu cầu khác nhau về sản phẩm nông sản. Vì vậy doanh nghiệp cũng như các địa phương cũng cần phải nhìn nhận như thế để chúng ta tiếp cận theo hướng này".
Đỗ Hương