Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quang cảnh cuộc gặp gỡ. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng |
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam do Bộ Ngoại giao và UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức.
Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc Lê Hoài Trung đánh giá cao việc lãnh đạo các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam (Trung Quốc) lần đầu tiên tham dự buổi gặp gỡ lần này. Đây là 4 địa phương có tiềm lực kinh tế lớn và cũng là các địa phương đi đầu của Trung Quốc trong hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư và du lịch với các địa phương của Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa 4 địa phương này với các địa phương của Việt Nam đạt 59 tỷ USD, chiếm 63% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam -Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, với tính bổ trợ lớn, khoảng cách địa lý gần gũi, giao thông thuận lợi, tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, giữa Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Hải Nam với các địa phương Việt Nam còn rất lớn.
Ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp của 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, quan tâm lợi ích của người lao động, tham gia tích cực hơn vào các hoạt động an sinh xã hội tại Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung mong muốn Chính phủ và chính quyền địa phương Trung Quốc, nhất là các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam, tiếp tục quan tâm hỗ trợ, mở cửa hơn nữa thị trường cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh và thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn như hàng nông sản, thịt lợn, sữa. Tạo thuận lợi thông quan cho hàng hóa Việt Nam tại khu vực biên giới, từng bước đưa quan hệ thương mại hai nước phát triển theo hướng lành mạnh, cân bằng hơn.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thành phố luôn coi trọng, quan tâm tới các hoạt động, chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp của Trung Quốc với tinh thần hợp tác toàn diện, lâu dài, hướng tới hiệu quả hai bên cùng có lợi.
Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tập trung rà soát các mặt hàng, sản phẩm chủ lực, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng được những yêu cầu của thị trường Trung Quốc, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan của Việt Nam và Trung Quốc để hỗ trợ tối đa các thủ tục thông quan, giúp doanh nghiệp hai nước thuận lợi hơn trong trao đổi, kinh doanh hàng hóa.
Tại cuộc gặp, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Âu Dương Vệ Dân cho biết, đến cuối năm 2017, tỉnh Quảng Đông có 114 DN đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư thực tế đạt 240 triệu USD với 25 dự án đầu tư trực tiếp.
Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Đông mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác chiến lược, tham gia tích cực vào sáng kiến, tạo động lực cho hợp tác Trung - Việt.
Theo ông Âu Dương Vệ Dân, tỉnh Quảng Đông và các địa phương của Việt Nam có nhiều cơ hội trong việc hợp tác trên các lĩnh vực: giao thông vận tải, giáo dục, du lịch. Vì vậy, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Đông mong muốn đẩy mạnh hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân nhằm củng cố nền tảng văn hóa - xã hội giữa hai bên.
Tuấn Dũng