Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức hội thảo cấp Trung ương với chủ đề “Khuyến học xanh” - Ảnh: VGP/VH
Sáng 25/4, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Khuyến học xanh” nhằm triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định đây là hội thảo cấp Trung ương đầu tiên đề cập đến chủ đề “khuyến học xanh”. Bà nhấn mạnh: “Khuyến học xanh là bước tiến tất yếu, thể hiện trách nhiệm và tầm nhìn của tổ chức khuyến học trước yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.”
Trong bối cảnh toàn cầu đang gióng lên hồi chuông báo động về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và khủng hoảng phát triển, khuyến học xanh cần được hiểu là một động lực xã hội mới để thúc đẩy tư duy xanh, hành vi xanh và lối sống xanh cho mọi tầng lớp nhân dân.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu - Ảnh: VGP/VH
Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, từ tháng 8/2024, cụm từ “khuyến học xanh” đã được Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra như một định hướng chiến lược, bắt đầu từ nhóm tuổi “đầu còn xanh”-người trẻ trong độ tuổi học tập, sau đó phát triển thành một chương trình hành động mang tính toàn diện nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng, để khuyến học xanh không chỉ là khái niệm mà trở thành hành động thực tiễn, cần cụ thể hóa bằng đề án triển khai rõ ràng với nội dung, phạm vi và giải pháp đồng bộ.
Trong đó, Hội Khuyến học Việt Nam xác định 7 nhóm giải pháp trọng tâm, từ xây dựng khái niệm, tiêu chí đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phối hợp liên ngành, đẩy mạnh truyền thông và ứng dụng công nghệ số. Ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Khuyến học xanh là cách để hình thành lớp người có tư duy đổi mới, lối sống tích cực, kỹ năng thực tiễn và ý thức đóng góp vì cộng đồng, những công dân học tập trong một xã hội phát triển bền vững.”
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Minh (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) phân tích sâu vai trò của giáo dục xanh trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế xanh.
GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, từ bậc phổ thông đến đại học và giáo dục người lớn, cần đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tích hợp công nghệ xanh, STEM, sinh thái học, đồng thời khuyến khích học tập trải nghiệm và phát triển kỹ năng xanh. Giáo dục xanh không chỉ giúp học sinh hiểu biết về môi trường mà còn hình thành tư duy phát triển bền vững, từ đó đào tạo thế hệ công dân có năng lực, có trách nhiệm với xã hội và thiên nhiên.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến đề xuất 6 nhóm giải pháp cụ thể gồm: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hoạt động khuyến học xanh - Ảnh: VGP/VH
Trên tinh thần đó, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh khuyến học xanh cần được xác lập như một chiến lược lâu dài, không chỉ là một phong trào mang tính thời điểm, đồng thời đề xuất 6 nhóm giải pháp cụ thể gồm: xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hoạt động khuyến học xanh; đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội; tích hợp nội dung vào chương trình giáo dục chính quy và không chính quy; thiết lập cơ chế tài chính hỗ trợ; tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế; đẩy mạnh truyền thông để lan tỏa các mô hình học tập xanh tiêu biểu. PGS.TS Trương Mạnh Tiến đặc biệt nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong thay đổi hành vi-yếu tố cốt lõi để khuyến học xanh đi vào thực chất.
Hội thảo khép lại với nhiều cam kết và định hướng rõ ràng. Các ý kiến tham luận đã thống nhất rằng, trong bối cảnh toàn cầu hướng đến phát triển bền vững, khuyến học xanh không chỉ nhằm nâng cao tri thức mà còn là cầu nối để hình thành những công dân có trách nhiệm, sống hài hòa với thiên nhiên. Đây chính là bước chuyển quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho hoạt động khuyến học tại Việt Nam.
Tuệ Lâm