Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là ý kiến được trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023 (Vietnam New Economy Forum 2023) với chủ đề "Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy –Vietnam Economic Times và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức chiều 6/10, tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Diễn đàn lần này đề cập nhiều vấn đề mới như kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm và kinh tế dữ liệu. Đây là những vấn đề mà Việt Nam đang rất quan tâm nhằm tạo ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới.
"Việt Nam đã có nhiều định hướng, chủ trương trong phát triển các ngành kinh tế nhưng cần phải nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, gắn kết và sát thực tế. Các chính sách tại nhiều lĩnh vực mặc dù đã được ban hành nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của doanh nghiệp. Để thúc phát triển kinh tế, các yêu cầu về thể chế vẫn là vấn đề cần hoàn thiện", Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.
Bên cạnh đó, liên quan đến kinh tế mới là vấn đề khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ về cơ chế đặt hàng nguồn nhân lực mới trong 6 ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có ngành công nghệ số.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, tỉ lệ chi từ ngân sách cho nghiên cứu phát triển phải đạt mức bình quân của 3 nước đứng đầu ASEAN. Tuy nhiên đến năm 2019, khoa học công nghệ nước ta chỉ đạt 0,53% trong tổng GDP. Việc đầu tư ngân sách và cơ chế để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn gặp nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ.
Tận dụng cơ hội phát triển bền vững
Tại Diễn đàn, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy dẫn chứng về những tiềm năng to lớn mà các mô hình kinh tế mới đem lại cho các quốc gia, khu vực trên thế giới. Chẳng hạn, tại Mỹ, kinh tế xanh đã tạo việc làm cho 9,5 triệu lao động, đóng góp trên 7% GDP, tương đương 1,3 nghìn tỷ USD/năm.
Còn đối với Việt Nam, theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á" năm 2021, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.
"Những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, vừa tạo hành lang pháp lý để triển khai các mô hình kinh tế mới, vừa tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không nên nhìn nhận các mô hình kinh tế mới một cách riêng rẽ, mà có sự tương tác với nhau, chẳng hạn như kinh tế ban đêm có tương tác với kinh tế chia sẻ, hay việc tận dụng công nghệ số để thúc đẩy các liên kết trong mô hình kinh tế tuần hoàn.
Bà Minh cho biết, CIEM đang chủ động dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm để phát triển kinh tế tuần hoàn, nhằm sớm hiện thực hóa lợi ích từ mô hình này.
Đồng thời, tổng kết việc thực hiện phát triển kinh tế ban đêm kể từ sau Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, từ đó kiến nghị những hướng đi mới nhằm phát triển kinh tế ban đêm. Nếu phát huy đồng bộ, tổng lực các mô hình này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để tạo thêm từng "điểm phần trăm" cho tăng trưởng kinh tế.
"Cần không ngừng đổi mới, khẩn trương đổi mới, chung tay đổi mới. Chúng ta sẽ chung tay đưa thể chế trở thành một nguồn lực, thậm chí là "chìa khóa mở đường" cho tăng trưởng kinh tế có tính sáng tạo, bền vững và chất lượng hơn", lãnh đạo CIEM nhấn mạnh.
Anh Minh