Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Với mục đích thúc đẩy việc sử dụng các dược liệu và thành phần hợp pháp, an toàn và bền vững trong sản xuất thuốc đông dược, Tổ chức Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (Traffic) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam (Vimphar) vừa tổ chức Hội thảo "Tăng cường quản lý, sử dụng các thành phần tự nhiên hợp pháp và bền vững trong sản xuất thuốc đông dược".
Sử dụng động, thực vật hoang dã như các vị thuốc trong các bài thuốc y học cổ truyền đã có từ hàng nghìn năm và đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức các loài động vật hoang dã đang đặt ra thách thức cho sự phát triển bền vững. Trong đó, ngành dược và các thầy thuốc y học cổ truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc chấm dứt các hành vi sử dụng dược liệu và thành phần có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã trái pháp luật như một vị thuốc chữa bệnh hiệu quả theo y học cổ truyền, cũng như định hướng việc sử dụng các dược liệu và thành phần hợp pháp và bền vững.
Theo Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân Đỗ Thế Lộc, Viện trưởng Vimphar, Viện sẽ tích cực thông tin và khuyến khích cộng đồng y học cổ truyền nói không với việc sử dụng các loài động vật hoang dã trong quá trình chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Viện cũng tiếp tục kết nối và khuyến khích các công ty dược phẩm, các thầy thuốc y học cổ truyền, giám sát họ hành động và thúc đẩy các dược liệu, thành phần và giải pháp an toàn và hợp pháp, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã.
Bà Bùi Thúy Nga, quản lý chương trình của tổ chức Traffic tại Việt Nam cho biết, Traffic đã và đang phối hợp với cộng đồng y học cổ truyền và ngành dược Việt Nam trong các hoạt động liên quan để chấm dứt việc sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.
Traffic cũng cung cấp thông tin, tổ chức đào tạo và hướng dẫn các công ty dược phẩm, y học cổ truyền trong việc lồng ghép các nội dung về bảo tồn động vật hoang dã cũng như khuyến khích việc áp dụng các phương thức, mô hình kinh doanh hướng đến các sản phẩm đông dược thân thiện với môi trường và không gây tổn hại tới thiên nhiên.
Các đại biểu tham gia Hội thảo cũng chia sẻ ý kiến, quan điểm và thảo luận về những ý tưởng, hành động cụ thể nhằm góp phần giải quyết các vấn đề liên quan.
Cuối Hội thảo, 10 doanh nghiệp y, dược phẩm và 2 viện nghiên cứu về y học cổ truyền đã ký cam kết không sử dụng dược liệu, thành phần có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã trái pháp luật và sẽ lồng ghép các nội dung về động vật hoang dã vào chương trình đào tạo nội bộ của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ truyền tải thông điệp thay đổi hành vi về việc sử dụng các thành phần, dược liệu hợp pháp, an toàn và bền vững trên các kênh truyền thông của mình.
HM