Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi tại phiên thảo luận, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu bật 4 điểm nhấn chính sách cho thấy quyết tâm hành động của Chính phủ và Quốc hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay.
Đây là những điểm mới trong Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Chính phủ.
Thứ nhất, về phương hướng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đều nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh 16 chữ vàng với 4 thông điệp hành động: Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo và hiệu quả bền vững. Trong đó, cần lưu ý các giải pháp như thúc đẩy kinh tế xanh, bền vững, yêu cầu vốn tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các Nghị quyết nhấn mạnh vấn đề an ninh năng lượng và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, sớm có giải pháp để ưu tiên thu hút đầu đầu tư và đẩy nhanh các dự án xanh...
Thứ hai, các Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội đều nêu bật các giải pháp nhằm tận dụng những thành tựu lớn về ngoại giao kinh tế của năm qua. Trong đó, 2 nhóm giải pháp điểm nhấn là tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo và đào tạo nguồn nhân lực.
"Nghị quyết 103 nhấn mạnh việc tập trung đào tạo và nêu rõ các con số như phải đào tạo 50-100 nghìn lao động cho công nghiệp chip và bán dẫn, để tận dụng cơ hội mới từ kết quả ngoại giao kinh tế", ông Hiếu cho biết.
Thứ ba, các Nghị quyết chú trọng ưu tiên thu hút FDI. Đáng chú ý, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu; sớm thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thuế thu nhập bổ sung này.
Thứ tư, để thực thi tất cả các nhiệm vụ, giải pháp này là chính sách hướng tới cộng đồng doanh nghiệp. Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh rất nhiều đến Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị. Nghị quyết cũng yêu cầu phải thực thi một cách đầy đủ, quyết liệt và nhanh chóng Nghị quyết 41 để thúc đẩy động lực và mang lại cho cộng động doanh nghiệp một môi trường đầu tư an toàn, bền vững.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Chính phủ đã tổ chức hội nghị tổng kết 2023 và triển khai hoạt động 2024. Kết quả cho thấy, GDP năm 2023 tăng 5,05%, lạm phát 3,25% - thấp hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP thời gian qua của nước ta chủ yếu là đóng góp của đầu tư công, đầu tư tư nhân chỉ đạt 2,7% là khá khiêm tốn,
Do đó, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh cần có chính sách tạo động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cũng nêu một số đặc điểm của tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và xuất khẩu đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ đóng góp khá vào tăng trưởng kinh tế năm 2023, đạt mức tăng 6,82% - đóng góp lớn vào giá trị tăng thêm của GDP.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong năm 2023, kinh tế số, chuyển đối số đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Quốc tế đánh giá tốc độ tăng của Việt Nam đạt 19% - cao nhất khu vực. Đóng góp của kinh tế số vào GDP cũng tăng, 16,5%. Do đó, việc thúc đẩy chuyển đổi số, sản xuất thông minh một cách thực chất là rất quan trọng.
Có cùng quan điểm, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khuyến nghị, bên cạnh các chính sách phục hồi kinh tế tư nhân, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng tới việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong thời gian tới.
"Tương lai của Việt Nam là chuyển đổi số và xanh. Nhưng để đi đến tương lai đó, các bạn cần có những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp. Một điều quan trọng nữa là người dân, lớp trẻ và các thế hệ lao động cũng phải có các kiến thức cần thiết về xu hướng này", bà Dorsati Madani bày tỏ tin tưởng.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển mạnh theo hướng gắn với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phát triển bền vững, các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với một tốc độ nhanh hơn, nội hàm phức tạp hơn và tác động đa chiều hơn.
Những xu thế mới trong liên kết kinh tế thế giới sẽ tác động đến các ngành nghề, các lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
"Hai nội dung quan trọng, vừa có ý nghĩa nền tảng vừa có vai trò đột phá với phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, đó là cơ chế chính sách và động lực tăng trưởng mới", lãnh đạo Bộ Ngoại giao nói.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2024 được cấu trúc thành 3 phiên. Phiên tham luận gồm 3 báo cáo chính của chuyên gia kinh tế quốc tế và Việt Nam về chủ đề: Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024. Hai phiên thảo luận tập trung vào chủ đề: Kinh tế Việt Nam năm 2023 – 2024 nhìn từ động lực tăng trưởng mới và Các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Qua 15 năm, Diễn đàn VESF đã trở thành kênh thông tin uy tín, thu hút và hội tụ sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là giới chuyên gia kinh tế quốc tế, trong nước và cộng đồng doanh nghiệp
Anh Minh