• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thúc đẩy tiêu dùng nội địa - 'chìa khóa' để đạt mục tiêu tăng trưởng

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh xuất khẩu và đầu tư đang đối mặt nhiều thách thức, tiêu dùng nội địa chính là "chìa khóa" để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm tới, vấn đề là cần có giải pháp đồng bộ để "đánh thức" tiềm năng này.

25/04/2025 17:02
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa - 'chìa khóa' để đạt mục tiêu tăng trưởng- Ảnh 1.

Tọa đàm Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước - Ảnh: VGP/HT

Đây là ý kiến được các chuyên gia, DN trao đổi tại Tọa đàm Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội. 

Tiêu dùng nội địa là pháo đài chống “bão thương mại”

Theo số liệu từ Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng từ 4,4 triệu tỷ đồng (2018) lên 6,39 triệu tỷ đồng (2024). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại đáng kể trong những năm gần đây.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định rằng Chính phủ đã xác định tiêu dùng nội địa là một trong ba trụ cột quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đặt ra là 8%, trong đó tiêu dùng đóng góp tới 60-65%.

Tuy vậy, để đạt được điều này, tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phải đạt 12%, một con số đầy thách thức. Nhìn lại 10 năm qua, chưa năm nào đạt quá 9%. Bởi vậy, ông Tuấn cho rằng cần thúc đẩy chính sách tiêu dùng một cách đồng bộ hơn.

Còn ông Trần Anh Thắng (Eximbank) chỉ ra một nghịch lý: Dù chi tiêu hộ gia đình vẫn tăng nhưng tỷ trọng so với GDP lại giảm. Điều này cho thấy người dân đang chi tiêu thận trọng hơn, không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế.

‎Đáng chú ý, dư nợ tín dụng tiêu dùng năm 2024 đạt 2,89 triệu tỷ đồng nhưng tỷ trọng trong tổng dư nợ toàn nền kinh tế lại giảm từ 15% (2023) xuống còn 12%. "Đây là tín hiệu đáng lo ngại", ông Thắng nhấn mạnh.

‎Việc Hoa Kỳ áp thuế suất cao với hàng hóa Trung Quốc (245% với xe điện, 46% với nhiều mặt hàng khác) được các chuyên gia nhận định sẽ tác động đa chiều đến thị trường nội địa.

‎Theo đó, mặt trái là giá cả hàng tiêu dùng có nguy cơ tăng do phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc...

Tuy nhiên, trong "nguy" có "cơ", đại diện Eximbank nhận định, các hàng rào thuế mới từ Hoa Kỳ có thể khiến hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng giá do chi phí sản xuất cao hơn. Điều này tạo cơ hội cho hàng Việt thay thế nếu chất lượng và nguồn cung được đảm bảo. Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại lạm phát và biến động tỷ giá có thể khiến người tiêu dùng ưu tiên hàng nội địa hơn.

"Đây chính là thời điểm vàng để đẩy mạnh chiến dịch 'Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt' một cách thiết thực", ông Trần Anh Thắng đề xuất.

Bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch Amcham Hà Nội chia sẻ, chính sách thuế của Hoa Kỳ không chỉ tác động tới doanh nghiệp (DN) Việt mà còn ảnh hưởng tới DN Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, Amcham đã có thư kiến nghị lên chính phủ Hoa Kỳ, đề xuất tạm hoãn áp thuế để có thời gian đàm phán song phương. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực tiến hành đàm phán thương lượng trực tiếp với Hoa Kỳ, đồng thời chủ động đưa ra chính sách hỗ trợ DN trong nước.

Thúc đẩy tiêu dùng nội địa - 'chìa khóa' để đạt mục tiêu tăng trưởng- Ảnh 2.

Các chuyên gia nhận định tiêu dùng nội địa chính là "chìa khóa" để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm tới - Ảnh: VGP/HT

Việt Nam không thiếu nội lực, cần đa dạng hóa thị trường

‎Bài toán kích cầu tiêu dùng nội địa đang cần lời giải đồng bộ từ cả ba phía: Nhà nước - Ngân hàng - DN. Đây không chỉ là câu chuyện của năm 2025 mà còn là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn.

Tuy nhiên, GS Trần Đình Thiên cảnh báo: Nếu không sớm tháo gỡ các điểm nghẽn, thị trường nội địa sẽ khó phát huy được vai trò là trụ cột tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động như hiện nay.

Dưới góc độ vĩ mô, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý: Nếu lạm phát tăng nhanh hơn thu nhập, sức mua sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời, niềm tin tiêu dùng cũng phụ thuộc vào ổn định vĩ mô. Do đó, các chính sách cần được cụ thể hóa bằng kế hoạch hành động rõ ràng và có nguồn lực đi kèm.

Trong bối cảnh đó, ông Trần Anh Thắng (Eximbank) cho rằng: từ phía Nhà nước cần ưu tiên "room" tín dụng cho vay tiêu dùng; sẵn sàng cho phép bù lãi suất cho các khoản vay thiết yếu, đồng thời cần đẩy mạnh chương trình kích cầu quốc gia

‎Từ phía ngân hàng, theo ông Trần Anh Thắng, cần phát triển sản phẩm vay linh hoạt, không cần tài sản đảm bảo; số hóa toàn bộ quy trình vay để rút ngắn thời gian giải ngân. Ngân hàng có thể mở rộng gói vay tiêu dùng xanh (xe điện, thiết bị tiết kiệm năng lượng).

‎Từ phía DN cần nâng cao chất lượng hàng Việt để thay thế hàng nhập. Bên cạnh đó, cần liên kết với ngân hàng triển khai chương trình trả góp 0%, đồng thời, tăng cường khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng nội địa.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, Trưởng ban pháp chế VCCI khẳng định: Việt Nam không thiếu nội lực. Chúng ta đã ký 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 quốc gia. Đây chính là cơ hội để đa dạng hóa thị trường và khai thác lợi thế từ các FTA một cách mạnh mẽ hơn.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: Chúng ta đã nhận thức được thị trường trong nước quan trọng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để ứng phó với hàng giả, hàng lậu. Vừa qua, Chính phủ đã bỏ Quyết định 76 về áp thuế VAT với hàng nhập khẩu trị giá dưới 1 triệu đồng. Điều này cho thấy Việt Nam không ngại cạnh tranh, tự tin giữ được thị trường. Để tăng tính cạnh tranh, DN trong nước phải có thương hiệu và hệ thống phân phối. 

Để DN nội địa tăng sức cạnh tranh, không thể chỉ trông vào chính sách mà cần xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối riêng. Tuy nhiên, phần lớn các chuỗi phân phối hiện lại thuộc về DN nước ngoài, gây khó khăn trong việc đưa hàng Việt vào hệ thống. Do đó, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN tiếp cận thị trường và phân phối, bởi đây là điểm nghẽn then chốt hiện nay.

Anh Minh