Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu lên nhiều kiến nghị để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 và những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành và địa phương là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đề ra; trong đó cần nêu cao quyết tâm, tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, công việc theo mục tiêu đề ra; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là cần chỉ đạo thực hiện ngay những công việc còn tồn đọng hoặc chậm tiến độ do nghỉ Tết, đẩy nhanh tiến độ công việc và thủ tục liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, tháng 3 là tháng cuối cùng của Quý I, là tháng phải tập trung và tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế, đặt mục tiêu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Quý I và của cả năm.
Trên tinh thần này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị hàng loại các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, trước hết là thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tuyệt đối không chủ quan, nâng cao cảnh giác, trách nhiệm; đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch. Khẩn trương ban hành hướng dẫn, quy trình thống nhất về sản xuất, lưu thông hàng hóa, phương tiện giữa vùng có dịch và không có dịch; có biện pháp hỗ trợ phân phối, tiêu thụ hàng hóa an toàn dịch bệnh, đặc biệt với các hàng hóa nông sản, có thời gian bảo quản ngắn. Đẩy mạnh việc hợp tác, đàm phán mua vaccine và nghiên cứu vaccine trong nước; đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng vaccine, đặc biệt đối với các khu vực, đối tượng ưu tiên.
Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Dự báo dịch COVID-19 sẽ vẫn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới trong ít nhất nửa đầu năm 2021 và cho đến khi việc tiêm chủng vaccine được phổ biến rộng rãi. Do vậy, cần duy trì chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các Bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát tình hình, phân tích, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch bệnh, đặc biệt đối với các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải…
Tập trung hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển thị trường trong nước. Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, đặc biệt đối với khô hạn, xâm nhập mặn để có giải pháp trữ nước đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.
Tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong các hoạt động của đời sống xã hội; phát triển thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử; ứng dụng thanh toán điện tử trên môi trường trực tuyến.
Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ.
Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu trên cơ sở tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại các thị trường đối tác; rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu; tận dụng cơ hội để thúc đẩy cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường. Chủ động nghiên cứu các thay đổi chính sách thương mại của các đối tác lớn và có tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Đẩy mạnh thu hút hiệu quả, có chọn lọc đầu tư nước ngoài. Chủ động rà soát kỹ hoạt động mua bán, sáp nhập nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động lớn đến kinh tế, xã hội để vừa bảo đảm điều kiện thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vừa chủ động bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng đầu tư để tránh thuế, ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam.
Nguyễn Hoàng