Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo thống kê, nước ta có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Bám sát yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng ở các địa phương này đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phân công các bộ phận thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình trên biển; tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các biện pháp đấu tranh phòng, chống khai thác IUU; cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các tàu cá hoạt động trên biển.
Cụ thể, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trên tuyến biển đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, trọng tâm là tuyên truyền các quy định về khai thác, đánh bắt hải sản. Tính riêng trong năm 2023, thông qua kiểm tra, kiểm soát tại các trạm kiểm soát Biên phòng và tuần tra trên biển, các đơn vị đã tuyên truyền cho hơn 930.000 lượt thuyền viên thuộc gần 157.000 tàu cá; cấp phát 14.000 tờ rơi, hơn 3.900 lá cờ Tổ quốc, 735 ảnh Bác Hồ.
Đồng thời, phối hợp cùng các ngành, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền được 916 buổi với trên 109.000 lượt người nghe; cấp phát gần 2.000 cuốn tài liệu, 1.300 áo phao; yêu cầu 100% thuyền trưởng tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên ký cam kết không khai thác hải sản trái phép tại các vùng biển nước ngoài.
Ngư dân Nguyễn Văn Ngọc, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình tuyên truyền kiến thức pháp luật. Đến nay, khi ra khơi, đánh bắt hải sản, bà con đều chủ động mở thiết bị giám sát hành trình, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Anh em Bộ đội Biên phòng cũng luôn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt hiệu quả".
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng chú trọng tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, ngăn chặn tàu cá vi phạm ở các vùng biển nước ngoài.
Theo đó, năm 2023, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã chủ trì phát hiện, xử lý 693 vụ/807 phương tiện/911 đối tượng, nộp ngân sách hơn 8 tỷ đồng (tăng 239 vụ/257 phương tiện/280 đối tượng, giảm hơn 5,4 tỷ đồng tiền xử phạt so với cùng kỳ năm 2022); tịch thu 109 kg thuốc nổ, 888 kíp nổ, 54 m dây cháy chậm, 51 bộ kích điện, tước bằng thuyền trưởng 6 trường hợp không bảo đảm thủ tục giấy tờ, có hành vi vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình (VMS); vận chuyển, sử dụng kích điện khai thác hải sản trái phép.
Đồng thời, tham mưu cho UBND các tỉnh ven biển xử lý 18 vụ/133 tàu cá/103 đối tượng, nộp ngân sách trên 24 tỷ đồng (tăng 9 vụ/120 tàu/94 đối tượng/hơn 16 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022), tịch thu 7 tàu cá, tước bằng thuyền trưởng 39 trường hợp về hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, tháo và không duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình.
Các giải pháp đồng bộ nói trên đã góp phần giúp ngư dân thay đổi nhận thức, hành động trong việc tuân thủ các quy định phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp; tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển làm ăn, phát triển kinh tế tại địa phương.
Phát huy kết quả đã đạt được, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng trên tuyến biển của cả bước đã tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để tăng cường thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống khai thác IUU. Trong đó, trọng tâm là tập trung quán triệt đầy đủ chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của cấp trên về nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU trong tình hình mới.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã chủ động tuần tra, quản lý, kiểm soát tàu cá trên địa bàn, tàu cá xuất, nhập bến; tập trung tại các cửa sông, cửa lạch là nơi có nhiều tàu cá không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác, không lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS).
Các đơn vị Biên phòng cũng chủ động bố trí lực lượng phối hợp với các cơ quan quản lý thủy sản tại cảng cá trong việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực của sở chỉ huy các cấp kịp thời phát hiện, kêu gọi và ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới khai thác hải sản đúng vùng biển quy định, tàu cá mất kết nối VMS bật lại thiết bị...
Theo Đại tá Huỳnh Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang chia sẻ, trên cơ sở sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ đội Biên phòng Kiên Giang luôn phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương. Chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ từng đơn vị đã nỗ lực trong tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, chủ động phát hiện đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, vi phạm khai thác IUU.
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã nhấn mạnh, đợt thanh tra lần thứ 5 tại Việt Nam của phái đoàn EC về phòng chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp (IUU) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4/2024.
Đây được coi là cơ hội "cuối cùng" để Việt Nam gỡ thẻ vàng trước khi EU bầu cử. Nếu không tranh thủ cơ hội này để gỡ "thẻ vàng" IUU, hoặc tình trạng tiếp tục tái diễn đánh bắt hải sản bất hợp pháp thì sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ có nguy cơ bị áp dụng "thẻ đỏ", bị cấm tuyệt đối xuất khẩu vào châu Âu. Điều này sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành thủy sản, hoạt động xuất khẩu, không thể nâng cao giá trị thủy sản, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người dân ven biển cả nước.
Trong bối cảnh nói trên, việc lực lượng Bộ đội Biên phòng trên tuyến biển của cả nước đẩy mạnh các biện pháp nhằm bảo đảm hoạt động khai thác thủy sản của bà con tuân thủ đúng quy định là thực sự những việc làm có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội to lớn.
Thông qua các hoạt động này đã trực tiếp ngăn chặn, tiến tới chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp; góp phần gỡ "thẻ vàng" IUU, đảm hoạt động khai thác thủy sản của bà con tuân thủ đúng quy định; giúp ngư dân yên tâm bám biển, vừa phát triển kinh tế địa phương, vừa khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Quang Đạo