Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 26/5, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo về tình hình cung cấp điện và một số vấn đề liên quan đang được dư luận quan tâm.
Đề cập đến tình hình cung ứng điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: Qua theo dõi của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cơ bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp so với trung bình nhiều năm (TBNN), nhiều hồ thủy điện chỉ đạt 20%, cá biệt có hồ thấp hơn. Đánh giá chung trên cả nước trong mùa khô này lượng nước về các hồ thủy điện chỉ đạt dưới 50% TBNN.
Ông Đặng Hoàng An cho biết thêm, qua theo dõi của Bộ Công Thương, phụ tải trong 4 tháng đầu năm tăng nhẹ nhưng đến tháng 5, theo kế hoạch năm nay sản lượng điện tiêu thụ trung bình ngày đạt khoảng 808 triệu kWh/ngày, tuy nhiên tính đến hết ngày 25/5, lũy kế, sản lượng điện trung bình ngày của cả nước đã lên đến 818 triệu kWh/ngày, tăng 8% so với kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Riêng trong tuần vừa qua, một số kỷ lục của Hệ thống điện đã được ghi nhận, đó là sản lượng điện trung bình ngày lên đến 923,9 triệu kWh (ngày 19/5). Công suất lớn nhất của Hệ thống điện quốc gia lên đến 44.666 MW, tăng 9%.
Trong bối cảnh nền nhiệt độ cao, các hồ thủy điện lưu lượng nước về thấp, tình hình cung ứng điện gặp nhiều khó khăn.
Về tình hình chuẩn bị nguồn, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, năm nay cũng gặp khó khăn. Một số tổ máy công suất lớn, sửa chữa kéo dài như Tổ máy của nhà máy BOT Nghi Sơn, Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa), Tổ máy Vũng Áng 1, Tổ máy của nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Cẩm Phả cũng gây áp lực cho công tác bảo đảm cung ứng điện.
Trước tình hình này, ngày 18/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã họp với Bộ Công Thương và EVN và các đơn vị liên quan. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bằng mọi cách phải đảm bảo cung ứng điện nhằm phục vụ đời sống và sinh hoạt của người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, một loạt giải pháp đã được Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan tập trung quyết liệt triển khai.
Cụ thể, giải pháp rất quan trọng là bảo đảm độ tin cậy vận hành của các nhà máy điện trong mùa khô này bao gồm cả các nhà máy nhiệt điện than, nhà máy điện chạy dầu, tuabin khí. Trong trường hợp các nhà máy gặp sự cố phải tiến hành khắc phục trong thời gian nhanh nhất.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, vừa rồi Tập đoàn Dầu khí quốc gia ( PVN) đã đưa hai tổ máy của nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2 với công suất 900 MW vào vận hành đã góp phần tăng khả năng bảo đảm cung ứng điện trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung như hiện nay.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, sau rất nhiều giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ tập trung quyết liệt chỉ đạo, Bộ Công Thương, EVN và các đơn vị liên quan đã thực hiện nghiêm quan điểm chỉ đạo nhất quán của Thủ tướng Chính phủ trong việc bảo đảm cung ứng điện. Tình hình cung ứng điện đã được cải thiện, đến thời điểm này việc thực hiện bảo đảm cung ứng điện được thực hiện tốt.
"Nếu trong thời gian tới chúng ta đảm bảo các tổ máy vận hành tin cậy, đáp ứng đủ nguồn nhiên liệu và thực hiện tốt công tác tiết kiệm điện, tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua khó khăn để đảm bảo cung ứng điện", Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề các dự án năng lượng tái tạp (NLTT) chuyển tiếp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, số dự án năng lượng tái tạo đã có hợp đồng với EVN mà không kịp giá FIT có 85 dự án với công suất 4.736 MW. Trong đó có 77 dự án điện gió và 8 dự án điện mặt trời
Đến nay sau rất nhiều lần đôn đốc, đã có 52 dự án với công suất 3.155 MW đã chuyển hồ sơ đến EVN để xem xét, vẫn còn 33 dự án chưa gửi hồ sơ.
Đã có 39 dự án với công suất 2.363 MW đã đề xuất với EVN ký thỏa thuận giá tạm bằng 50% khung giá theo quy định của Nhà nước. Bộ Công Thương đã chỉ đạo đến ngày 26/5, EVN phải hoàn tất thủ tục thỏa thuận giá tạm thời để các nhà đầu tư làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời, yêu cầu EVN bố trí đáp ứng nhu cầu thí nghiệm, thử nghiệm của các nhà máy để bảo đảm an toàn.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 16 dự án đã hòa lưới điện thí nghiệm, 5 dự án đã hoàn thành mọi thủ tục với công suất 303 MW đủ điều kiện phát điện thương mại.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng nhấn mạnh các quan điểm lớn về xử lý vướng mắc các dự án năng lượng tái tạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Việc giải quyết phải đúng các quy định của pháp luật, trên tinh thần " lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giá điện và chi phí truyền tải hợp lý, nếu cao quá thì lợi ích xã hội bị ảnh hưởng.
Toàn Thắng