Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là số liệu được nêu trong Báo cáo “Dịch tễ học và tình hình kiểm soát hen phế quản ở người trưởng thành Việt Nam năm 2010” vừa được công bố.
Báo cáo đã đáp ứng được đầy đủ tiêu chí của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Y tế, được đầu tư kĩ lưỡng, bài bản và qua đó cũng cho ta một bức tranh khái quát và đầy đủ về tình trạng bệnh hen phế quản, cũng như thực trạng quản lí bệnh ở Việt Nam hiện nay.
PGS.TS Trần Thúy Hạnh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và là Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, hiện tỷ lệ mắc hen có sự khác biệt lớn giữa các khu vực trên thế giới ở tất cả các nhóm tuổi, với độ lưu hành luôn rất cao ở các nước phát triển (bằng hoặc hơn 10%) và có xu hướng tăng dần ở các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, các số liệu về tình hình dịch tễ học hen phế quản ở người trưởng thành Việt nam đã được công bố từ trước đến nay đều mới chỉ được thực hiện trên những phạm vi nhỏ hoặc có những hạn chế về phương pháp nghiên cứu nên không có tính đại diện cho quốc gia.
Cùng với sự biến thiên của độ lưu hành bệnh, vấn đề điều trị và kiểm soát hen phế quản cũng có những diễn biến đáng lo ngại. Các khảo sát ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cho thấy, hiện mới chỉ có dưới 3% số bệnh nhân hen đạt được kiểm soát hoàn toàn, gần 60% số bệnh nhân chưa kiểm soát được hen. Tỷ lệ bệnh nhân có dùng thuốc dự phòng hen và theo dõi lưu lượng đỉnh tại nhà còn thấp.
Nhóm đã tiến hành điều tra ngẫu nhiên trên 14.246 người dân từ 1- 16 tuổi tại 7 vùng miền trên cả nước bằng bộ câu hỏi kết hợp với thăm khám lâm sàng. Kết quả cho thấy độ lưu hành hen phế quản ở người trưởng thành Việt Nam (năm 2010) là 4,1%. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nhóm hơn 80 tuổi (11,9%) và thấp nhất ở nhóm 21-30 tuổi (1,5%); tỷ lệ mắc hen ở nam giới là 4,6%, cao hơn so với tỷ lệ 3,62% ở nữ giới.
Trong số các địa phương tiến hành nghiên cứu, độ lưu hành hen cao nhất là ở Nghệ An (7,65%) và thấp nhất ở Bình Dương (1,51%). Báo cáo cũng cho thấy hiện nay nhiều phương pháp điều trị hen khác nhau đã được sử dụng, trong đó, điều trị bằng thuốc tây y và đông y là những phương pháp phổ biến nhất, lần lượt là 91,1% và 14,4%.
Bên cạnh đó, một lượng đáng kể bệnh nhân đang sử dụng phối hợp nhiều phương pháp để điều trị bệnh khác nhau cũng được phát hiện. Trong số 485 bệnh nhân hen được khảo sát về các thông tin liên quan đến điều trị và kiểm soát hen, thì chỉ có 29,1% người hiện có điều trị dự phòng hen và 57,9% người bệnh chưa từng dùng các thuốc dự phòng hen nào.
Mai Chi