Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại nước ta, đến nay đã có 1.096 bảo hộ chỉ dẫn địa lý với xuất khẩu nông sản (năm 2007 mới chỉ có 10 chỉ dẫn địa lý được xác lập). Như vậy số lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tăng "chóng mặt". Điều đó một phần cho thấy nhu cầu của thị trường nhập khẩu.
Tuy nhiên để thương hiệu đến được với người tiêu dùng, ở lại trong lòng công chúng thì đòi hỏi mỗi thương hiệu cần có nội hàm riêng.
Trong một lần chia sẻ thông tin với phóng viên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa hình ảnh một bao gạo của Nhật Bản. Ông cho biết: Đây là gạo do một giáo sư Nhật Bản chuyên về dinh dưỡng đất bằng cách tăng vi sinh vật trong đất. Bao bì có in hình người nông dân áp dụng công nghệ đó.
Nghĩ về cách làm thương hiệu từ hình ảnh bao gạo nói trên, Bộ trưởng cho rằng đó là một cách tiếp cận mang tính "nhân cách hoá thương hiệu". "Nhân cách" đó cũng từ cách tiếp cận chân chất, "thấy mặt mới tin".
Trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều loại nông, lâm, thủy sản có ưu thế đặc biệt. Chỉ riêng ngành hàng gạo cũng đã rất nhiều câu chuyện đáng nói.
Ví dụ như mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, giúp giảm lượng phân bón. Mô hình này không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm được công làm cỏ, công làm đất lại tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá. Mô hình cho sản phẩm lúa gạo và cá thương phẩm đạt chất lượng cao, mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với phương pháp sản xuất lúa thông thường. Còn cá (cá rô) có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh, thời gian nuôi ngắn.
Một mô hình khác là "con tôm ôm cây lúa" cũng đã được áp dụng ở nhiều nơi tại ĐBSCL và cho thấy hiệu quả kép như trên.
Ngoài những mô hình mang tính phát triển bền vững với nông, thủy sản chất lượng cao, ngay lúa gạo Việt Nam đã được những ghi nhận trên trường quốc tế.
Điển hình như việc ngay sau khi loại gạo ngon nhất thế giới thuộc về Việt Nam, lập tức loại gạo này đã được đưa vào thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản. Hay gạo hữu cơ Quảng Trị xuất khẩu sang thị trường châu Âu có giá bán tới 1.800 USD/tấn.
Năm 2019, tại Hà Nội, Trường Đại học Hiroshima Nhật Bản phát hiện và công bố gạo hữu cơ Quảng Trị dung hợp được 2 hợp chất quý là Momilactone A và Momilactone B vốn có tác dụng chống bệnh tiểu đường, gout, béo phì…
Toàn ngành nông nghiệp đang vận hành theo hướng chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Theo đó, thay vì tập trung cho sản lượng, năng suất như xưa thì việc nắm bắt tín hiệu của thị trường đang được những nhà quản lý nông nghiệp chú trọng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chia sẻ những trăn trở khi nhìn vào thực tế Việt Nam đang ở tầng thấp nhất của nền kinh tế nông nghiệp. Chúng ta đã bán hàng thô nhiều năm trời và việc thay đổi tư duy còn gặp khó khăn. Làm thế nào để xoá đi "sự mù mờ" về cơ quan quản lý, xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, chất lượng nông sản là điều Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thường nêu trong các cuộc bàn thảo về chính sách của ngành.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Tôi vẫn nói với bà con nông dân thương hiệu là gì, nên chăng đó là 'hiệu để người ta thương'. Người ta hiểu nhiều, tin nhiều thì mới thương và sẽ mua nông sản đó với giá cao. Thương hiệu là con đường để nông sản Việt Nam tiến tới minh bạch, tích hợp hình ảnh, cảm xúc rồi truyền thông vào sản phẩm nông nghiệp của chúng ta".
Đỗ Hương