Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bài học kinh nghiệm được Chính phủ khẳng định trước Quốc hội qua 3 năm thực hiện kế hoạch 2011-2015 là: “Trong bối cảnh mới, phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất để có chủ trương, chính sách huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… Bám sát thực tiễn của đất nước, nắm bắt nhanh những diễn biến mới và nâng cao năng lực phân tích dự báo để kịp thời xác định mục tiêu, chính sách, giải pháp phù hợp với thực tế tình hình”.
Logic đơn giản của cuộc sống là muốn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương thì pháp luật phải được tôn trọng và thực hiện nghiêm minh. Do vậy, yêu cầu bắt buộc là mọi công dân, mà trước hết là đội ngũ công chức, viên chức, phải hiểu biết và tuân thủ pháp luật... Muốn vậy, pháp luật phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng của toàn dân, theo đó từ quá trình xây dựng đến áp dụng pháp luật phải được công khai, minh bạch để nhân dân góp ý, giám sát, thực hiện.
Minh bạch
Thực tế đã khẳng định, đây không chỉ là phương châm mà còn là hành động được Chính phủ nhất quán thực hiện trong suốt thời gian qua.
Trước hết, nói về việc minh bạch trong xây dựng và thực thi pháp luật, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nhận định: “Một trong những điểm nổi bật trong hoạt động của Chính phủ đương nhiệm và các bộ, ngành là tinh thần cầu thị, lắng nghe và tiếp thu những đóng góp của nhân dân trong việc ban hành các quyết sách và tổ chức triển khai thực hiện".
Theo ông Vũ Mão, những tiêu cực phát sinh trong đời sống KTXH nhiều khi bắt nguồn từ việc tổ chức thông tin thiếu minh bạch. Thông tin không rõ ràng còn là mảnh đất dễ nảy sinh những tin đồn sai lệch làm ảnh hưởng đến hoạt động chung. Việc Chính phủ chủ động cung cấp thông tin với nhiều chuyển biến, đổi mới, sáng tạo được nhân dân cả nước quan tâm theo dõi và ủng hộ.
Ví dụ, qua các cuộc đối thoại trực tuyến, hay chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, các thành viên Chính phủ đã trực tiếp, thẳng thắn trả lời những câu hỏi người dân quan tâm. Đây cũng là cơ hội để các Bộ trưởng được lắng nghe ý kiến của người dân, qua đó điều chỉnh những chính sách trong lĩnh vực mình quản lý, điều hành cho phù hợp.
Để bảo đảm tính minh bạch, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ cũng đã có quy chế phối hợp trong công tác theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Theo đó, hằng tháng Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh nợ đọng sẽ được công bố trên Cổng TTĐT Chính phủ.
Khắc phục “nợ đọng”, đảm bảo khả thi
Bên cạnh tính minh bạch, để “đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương”, đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ... Theo đó, văn bản phải được ban hành kịp thời và có tính khả thi.
Về vấn đề này, trên nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã ghi nhận cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Đại biểu cho rằng, về cơ bản việc ban hành văn bản pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành đã đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn về việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý điều hành của cơ quan Nhà nước.
Hiến kế giải quyết vấn đề “nợ đọng” văn bản pháp luật, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) đề nghị: “Phải nêu rõ từng bộ thiếu những văn bản gì, nêu tên cụ thể”. Nhiều đại biểu cũng đề nghị cần xử lý nghiêm những bộ, ngành nào chậm tiến độ ban hành các văn bản thì mới khắc phục được tình trạng “nợ” văn bản hướng dẫn như thời gian qua.
Thực tế Cổng TTĐT Chính phủ cũng đã công bố công khai: Danh mục văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực; Danh mục văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực; Danh mục luật, pháp lệnh ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7/2013.
Từ góc độ cơ quan tham mưu, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Tình trạng chậm ban hành văn bản đã tồn tại từ nhiều năm nay. Để chấn chỉnh công tác này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vấn đề này hết sức quyết liệt.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tập trung giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản thuộc lĩnh vực phụ trách. Phấn đấu hết năm 2013 cơ bản hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay. Đặc biệt là phải giải quyết dứt điểm các văn bản nợ đọng đối với luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/7/2013 trở về trước.
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã tăng cường đầu tư nguồn lực thực hiện, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và bước đầu đã khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản.
Bên cạnh đó, các cơ quan soạn thảo đã chú trọng đến tính khả thi của văn bản. Do đó, về cơ bản, các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã bảo đảm sự phù hợp với thực tế. Một số nội dung chưa thực sự phù hợp với thực tiễn như: Xử phạt xe không chính chủ; ghi tên cha mẹ trên Chứng minh nhân dân; đề xuất cấm cho, tặng ngoại tệ... cũng đã được kịp thời điều chỉnh.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế
Để nâng cao hiệu quả xây dựng VBQPPL, Chính phủ xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới là: “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống luật pháp, trước hết là về tổ chức bộ máy nhà nước cho phù hợp với Hiến pháp sửa đổi.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo đột phá trong thu hút đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật. Triển khai thực hiện các Luật đất đai, doanh nghiệp, đầu tư công, xây dựng, đấu thầu... và phát triển đồng bộ các loại thị trường”.
Bình Minh