Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính; Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phan Thăng An; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ có mối quan hệ trực tiếp đến Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là bảo đảm quốc phòng an ninh, thế trận lòng dân để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Theo đó, thời gian qua, thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI, Bộ Nội vụ đã đạt được nhiều kết quả to lớn đối với công tác này.
Đó là, nhận thức, ý thức, trách nhiệm về công tác quốc phòng an ninh và chiến lược bảo vệ Tổ quốc được nâng lên rõ rệt trong toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ đã tập trung cao cho việc xây dựng thể chế, chính sách trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, tham mưu được giao. Nổi bật là xây dựng nên hành chính nhà nươc dân chủ, pháp quyền, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày càng chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Hệ thống thể chế hành chính Nhà nước được gắn bó chặt chẽ với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy dân chủ gắn với bảo đảm kỷ cương và pháp luật.
Bộ Nội vụ đã quán triệt nghiêm túc, sâu sắc Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành như Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới…
Toàn thể ngành Nội vụ đã nỗ lực thực hiện công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực được giao, tạo sự ngày càng chuyển biến tích cực vì nền hành chính quốc gia phục vụ nhân dân.
Thực hiện nghiêm túc công tác xây dựng Đảng trong ngành Nội vụ mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức để thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước, tham mưu của ngành đối với Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục trong thời gian tới như công tác xây dựng thể chế chưa toàn diện, liên thông chưa cao, chưa thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chưa bắt kịp và đáp ứng các yêu cầu ngày càng nặng nề trong tình hình mới.
Thời gian tới, sau khi tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Trung ương, Bộ Nội vụ sẽ nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị của ngành để từ đó thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn tới, nhất là việc xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận quốc phòng an ninh trong tình hình mới.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Bộ/ngành Nội vụ đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cũng đã tóm tắt những nội dung lớn của Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI với 6 nhiệm vụ và giải pháp gồm: nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, tuyên truyền; củng cố và phát huy sức mạnh khối đại doàn kết toàn dân tộc; củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh có sức chiến đấu cao; triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới gồm nhiều nội dung về mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp của Đảng. Khi tổng kết phải toàn diện, bao quát, tiến hành từ cơ sở, ở các ngành, các cấp. Trong đó, cần tập trung vào 06 nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết, trong từng nội dung và giải pháp đó cần kết hợp làm rõ việc quán triệt, vận dụng mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo; đồng thời, đi sâu vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, các nội dung có sự phát triển mới, các vấn đề nổi cộm được xã hội quan tâm đặc biệt trong 10 năm qua.
Tán thành với báo cáo của Bộ Nội vụ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai chỉ rõ những nhiệm vụ lớn thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ làm căn cứ để gắn kết chặt chẽ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với nhiệm vụ của Bộ Nội vụ trên tất cả các lĩnh vực quản lý của mình, đặc biệt là việc xây dựng nền hành chính hiện đại, thông suốt, hiệu quả.
Trong đó, Bộ Nội vụ cần lấy nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế, chính sách hiệu lực hiệu quả, bảo đảm quốc phòng an ninh vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn; chú trọng xây dựng đội ngũ đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt công tác của Bộ.
Lê Sơn