Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi, đàm phán với cơ quan quản lý phía Trung Quốc để triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu, giảm ùn ứ hàng hóa |
Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn các nội dung sau:
- Thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía bắc, trong đó đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết Nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.
- Trao đổi ngay với bạn hàng Trung Quốc để: Giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (ví dụ như Cao Bằng) nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác, ví dụ như đường biển mà hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang làm rất tốt.
- Tiếp tục chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến cáo (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,…).
- Đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã hướng dẫn; đồng thời, tiếp tục thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.
Mở rộng tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu
Bộ Công Thương cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành chức năng điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường; căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản.
Đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.
Kinh nghiệm của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Sơn La cho thấy sự quan tâm và tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, nhất là vào thời điểm trước vụ thu hoạch, là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp nông sản của tỉnh được tiêu thụ thông suốt và thuận lợi trong hoàn cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Đàm phán để triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía bắc, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với đơn vị của các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai các giải pháp sau:
- Trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phía Trung Quốc để triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng của cả 2 nước tại các cửa khẩu (như hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải, bốc xếp hàng hóa,…) nhằm tạo thuận hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
- Tiếp tục cập nhật, đưa tin thường xuyên về diễn biến giao nhận, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan; kịp thời trao đổi, phản ánh với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh để cùng phối hợp xử lý.
Trước mắt, để tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp quản lý, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn cung cấp, đăng thông tin trước 12h hàng ngày trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu, vận chuyển, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới; hoạt động của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, lưu thông hàng hóa qua địa bàn tỉnh.
KL