Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 20/12, Thủy điện Lai Châu - một trong những thủy điện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh - chính thức được khánh thành. Và trên công trường khổng lồ này, từ năm 2011 tới nay, các cán bộ, công nhân đã phải đối mặt nhiều phút giây sinh tử, với những nỗ lực lớn lao, những sáng tạo không ngừng.
Thủy điện Lai Châu. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kỹ sư Lê Thế Bồi thuộc Phòng Kỹ thuật an toàn, Ban Quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La-Lai Châu, cho biết, làm thủy điện trước hết phải làm đê quai dẫn dòng sông sang hướng khác. Nhưng đê quai ở cả Sơn La và Lai Châu đều gặp hai con lũ rất lớn. Vỡ đê quai là tan tành tất cả các công trình trước đó đã làm, giá trị hàng trăm, ngàn tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Kim Tới, Giám đốc Ban điều hành tổng thầu, thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà, điều quan trọng nữa là khi vỡ đê quai, công việc sẽ chậm đi một năm. Bởi các hạng mục thi công đặc thù của ngành thủy điện phụ thuộc vào mùa nước. Chậm một năm, đất nước sẽ mất đi lượng điện trị giá gần 500 triệu USD.
Nhắc tới cơn lũ xảy ra trên Sơn La năm 2005, ông Tới cho biết, theo kinh nghiệm thủy văn thì trung tuần tháng 10 là không còn lũ lớn nữa. Kế hoạch đặt ra là tới 5/12 sẽ ngăn sông cho nước chảy vào kênh dẫn. Sát ngày tháo nước, sẽ gọt bớt con đê quai để tới ngày 5/12 tháo dỡ hoàn toàn. Nhưng không thể ngờ, thiên nhiên có những điều xảy ra trái với quy luật. Ngày 30/105, tám giờ sáng Chủ Nhật, cơn lũ cuối cùng của mùabất ngờ tràn về, lớn chưa từng thấy.
“Nước nhanh chóng dềnh lên mấp mé đê. Chúng tôi huy động tất cả nhân lực, xe máy cứ ào ào đắp đê cao lên giữ nước khỏi tràn. Chỉ có một con đường độc đạo cho xe vào đổ thêm đất cao mặt đê quai. Dưới sông nước cứ ào ào dâng lên, xô vào. Có chỗ nước mấp mé đã làm đê bùng nhùng dưới chân. Để dòng lũ leo qua đê, chỉ ào một cái là hàng trăm người sẽ bị cuốn phăng theo sông lũ. Nhưng không ai bỏ nhiệm vụ. Từ Tổng giám đốc EVN, các cán bộ chủ chốt của các đơn vị xây dựng, phối thuộc”, kỹ sư Lê Thế Bồi kể.
Tại Lai Châu, lũ còn khủng khiếp hơn. “Xoáy nước cuộn, miệng xoáy to như hố bom, như miệng con thuồng luồng ngoặm vào chân đê quai, húc xối xả vào sườn đê quai. Lại mưa như trút nước. Vừa đổ đất lên mặt đê, vừa huy động hàng vài trăm xe đá hộc đổ thẳng vào con xoáy nguy hiểm ấy, cho tới khi đá thành núi nhô lên, con xoáy tan, tất cả mới thở phào”, vị kỹ sư nhớ lại.
Kinh qua những con lũ này, khi đã có con đập hoàn thiện, các công trình thủy điện Lai Châu cũng như Sơn La có thể gánh mọi cơn lũ, dù là cấp độ lớn nhất theo tính toán.
Còn kỹ sư Vũ Quốc Huy - thế hệ kỹ sư sau này, lại nhớ mãi cơn lốc ngày 8/5/2013. Anh đang trực trên mặt đê thì cơn lốc vụt về. Nhìn quanh, tất cả những xây dựng trên mặt đất chỉ vài phút bay sạch bách. Cột thép cũng bị vặn gãy. Gió gào rú khủng khiếp.
“Tụi em bốn đứa đang trực tổ điện quát to bảo nhau, mỗi đứa ôm ghì lấy một chân cột nhà lán bằng sắt đã chôn xuống xi măng. Lốc xoáy rú lên rùng rùng từng hồi từ khe núi thượng nguồn, quét ngang lại quét dọc, cố lay nhổ cọc, cố dứt tụi cháu ném vào không trung. Đã bay hết mái lán, trơ bốn năm cái cọc và mấy người bé nhỏ vẫn cố bám chặt. Trận lốc kinh hoàng ấy tàn phá bao nhiêu lán trại công trình nổi của công trường”, Quốc Huy kể lại.
Những người thợ xây dựng thủy điện Lai Châu. Ảnh: VGP/Toàn Thắng |
Tiết kiệm nghìn tỷ từ những thay đổi nhỏ nhất
Kỹ sư cơ khí Lê Xuân Phúc, phụ trách tổ cơ điện Thủy điện Lai Châu, cho biết, công việc thủy điện tạo ra hứng thú ghê gớm ở nhiều hoàn cảnh giàu kịch tính, đòi hỏi mỗi kỹ sư, các chuyên gia từng nhóm việc, vắt óc mà tìm giải pháp tối ưu trong công việc.
“Khi tìm ra được giải pháp thì có khi sung sướng đến mất ngủ. Từ tháng 5 tới tháng 6/2015 là thời gian làm việc căng nhất, khi chuẩn bị đóng cống, để sao đủ nước mà tích nước cho cuối năm. Nước đầy chạy thử nghiệm đóng máy tổ máy số 1. Riêng cái việc đóng cống trữ nước khi nào, đã có ba kịch bản về thời gian đóng. Mọi sơ sảy đều phải trả giá, nên không thể lơ là hay thiếu sót kỹ thuật được”, kỹ sư Phúc nói.
Ông Trần Văn Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sông Đà 5, đơn vị đối tác xây dựng thủy điện Sơn La và Lai Châu, cho biết, xây dựng hai công trình này, chúng ta áp dụng công nghệ mới, dùng xi măng đầm lăn để thay thế xi măng cốt thép thông thường.
Nhưng để thực hiện công nghệ mới, đó là cả một quá trình cực kỳ khó khăn, từ tư duy tới xây dựng luận cứ để thuyết phục các lãnh đạo cấp cao thực hiện xây đập theo công nghệ mới, rồi tới việc tự tổ chức nhà máy thu hồi tro bay từ các nhà máy nhiệt điện để có nguyên liệu.
“Chúng ta đã làm một việc không thường. Bởi công nghệ bê tông đầm lăn cần tro bay, một vật liệu thu được từ khí thải của những nhà máy nhiệt điện. Nhập thì đắt, sản xuất lấy phải nghiên cứu mày mò. Vậy mà chúng ta đã làm được nó, chất liệu quan trọng nhất để thực hiện công nghệ mới”.
“Việc ứng dụng công nghệ này đã tạo điều kiện giúp cho đơn vị chúng tôi hoàn thành đúng tiến độ, khi mỗi ngày đổ tới 10.000 m3 đập liên tục 3 ca không hề đứt quãng. Nguyên liệu đầy đủ, tiến độ không đứt quãng, việc ấy tiết kiệm cho công trình hàng ngàn tỉ đồng. Chính điều quan trọng này cũng là vấn đề mấu chốt để tiến độ xây dựng các thủy điện hoàn thành trước thời hạn”, ông Huyên cho biết.
Có những chi tiết thay đổi tưởng như rất bình thường nhưng cũng có thể tiết kiệm rất nhiều cho đất nước. Như sự khác biệt trong cửa xả giữa thủy điện Sơn La và Lai Châu.
Ở Sơn La cửa xả xối nước thẳng xuống hạ lưu. Người ta phải làm dưới đáy đập, hạ lưu, một hố xói tới 30 mét nước sâu với đáy bê tông vô cùng bền chắc, để khi xả, lúc lũ mạnh về chân đập và hai bờ hồ đập vẫn an toàn.
Còn ở Lai Châu, nước từ cửa xả xối vào một bờ chắn bê- tông thép kiên cố, rồi vọt lên, trước khi rơi xuống mặt nước chân đập. Nước, một phần tan thành mưa bụi rơi xuống hạ lưu. Sự tính toán ấy giảm được tối thiểu lực tàn phá, thế năng của dòng xả, bảo vệ được lòng hồ hạ lưu sát chân đập. Chỉ thay đổi này đã tiết kiệm cho đất nước hàng ngàn tỉ đồng.
Chỉ riêng việc đào đắp hàng triệu triệu khối đất đá, hoàn thành hàng vạn vạn khối bê tông, vận chuyển hàng trăm ngàn tấn thiết bị cũng đòi hỏi những nỗ lực lớn lao, sự cẩn trọng tuyệt đối. Giám đốc Ban quản lý dự án nhà máy thủy điện Sơn La - Lai Châu Phạm Hồng Phương không bao giờ quên được cảm giác hồi hộp tới nghẹt thở khi đưa máy biến áp gần 300 tấn lần đầu tiên qua cầu hạ lưu sát con đập Sơn La.
“Toàn bộ nín thở, khi ô tô siêu nặng lăn bánh trên dàn tản trọng lực. Đặt các máy móc điện tử quan trắc nhiều loại, cả máy đo hướng và tốc độ gió, tính toán các lực tác động lên cầu, lên xe. Những thiết bị được đặt hai bên đầu cầu cung cấp các thông số, theo dõi từng giây con cầu mới xây, trong từng mét di chuyển của xe siêu nặng. Những công việc như vậy không thể trì hoãn, đắn đo. Bởi vì nếu lỡ một nhịp là phải đợi chờ cả một mùa khô năm tới. Một năm chậm phát điện, là gần nửa tỉ USD sẽ trôi theo dòng nước”, ông Giám đốc nói.
Có thể nói, một chuỗi thủy điện sông Đà, từ Hòa Bình, thêm Sơn La và nay tới Lai Châu, đã đánh dấu một bước tiến dài về sức lao động, trí tuệ tự lực, tự cường của người Việt...
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
(Trích trong tùy bút: Từ Sơn La tới Lai Châu-Đầu ngọn sóng)